Chương trình Ngữ văn 6 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được xây dựng dựa trên mục tiêu phát triểm phẩm chất, năng lực của người học bằng cách rèn luyện các kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết. Các bài đọc được lồng ghép theo từng chủ đề như: Tôi và các bạn, gõ cửa trái tim, yêu thương và chia sẻ, quê hương yêu dấu… Để kết nối văn học với đời sống, hệ thống các chủ điểm được xây dựng qua các văn bản hết sức đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, ngoài những văn bản được giới thiệu trong Sách giáo khoa, các em có thể tìm đọc một số tác phẩm văn học khác cùng chủ đề để mở rộng vốn kiến thức và có sự liên hệ, kết nối giữa các văn bản với nhau.
Dưới đây là một số tác phẩm văn học tương ứng với một số chủ đề trong chương trình Ngữ văn 6 - Kết nối tri thức với cuộc sống, học kì I mà các em có thể tìm đọc.
1. Chủ đề: Tôi và các bạn
“Charlotte Và Wilbur”, câu chuyện kể về việc một con nhện đã cứu sống con lợn - bạn mình như thế nào. Đây tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi Mỹ và tình bạn của chúng đã được hàng triệu độc giả trên thế giới cùng chia sẻ.
Tác phẩm là thông điệp của lòng yêu thương, sự thủy chung son sắt. Tình bạn giúp ta dễ dàng vượt qua những khó khăn, những nỗi đau và luôn có niềm tin vào cuộc sống. Sau tất cả, “Mọi thứ sẽ tàn phai, chỉ còn tình bạn ở lại.” (Thomas Carlyle). “Charlotte Và Wilbur” chính là một cuốn trong những cuốn sách hay về tình bạn mà bất cứ ai cũng nên đọc.
Tác phẩm “Tôi là Bê-tô” của Nguyễn Nhật Ánh ra mắt vào năm 2007, theo lối viết bút ký dưới góc nhìn của nhân vật chính là một chú chó.
“Tôi là Bê-tô” gồm 10 chương, kể về cuộc sống của chú chó Bê-tô cùng hai bạn Bi-nô và Lai-ca. Chủ của Bê-tô và Bi-nô là chị Ni, còn Lai-ca sống ở nhà của bố mẹ chị Ni. Bê-tô là một chú cún rất ư là “người”, chú kể về ngôi nhà nơi mình sống, người bạn triết lý Bi-nô, những sở thích nghịch ngợm, đôi khi quái gở của mình như “gặm một chiếc giày đi, vừa nhá vừa nhay, vừa lắc mạnh đầu cho nó nảy qua nảy lại. Câu chuyện kể về tình bạn yêu mến, gắn bó của Bê-tô dành cho Lai-ca và Bi-nô. Tác phẩm còn ẩn chứa nhiều thông điệp cao đẹp và đầy tính nhân văn được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khéo léo lồng ghép như “Càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi. Họ nghĩ nhiều hơn.” hay “Xưa nay chiến tranh nổ ra cũng chỉ vì miếng ăn. Mặc dù người ta luôn tìm bí quyết che lấp đi bằng những điều cao cả.”
2. Chủ đề: Quê hương yêu dấu
Tác phẩm “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán. Cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Mỗi người một hoàn cảnh song đều chung quyết tâm, nhiệt huyết và lòng yêu nước, đã tham gia chiến đấu hết mình và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Đọc tác phẩm, các em sẽ bắt gặp những chi tiết thực sự dữ dội về cuộc đời thiếu niên bất hạnh, về cuộc chiến tranh chống giặc tàn khốc nhưng ẩn sâu bên trong ta vẫn thấy những tâm hồn trong sáng và vô tư, thấy sự can trường, dũng cảm phi thường của nhân vật. Tất cả những ai đã từng đọc tác phẩm này hầu như đều không ngăn được xúc động và những giọt nước mắt cảm thương, cảm phục. Đây thực sự là một tác phẩm quý trong kho tàng văn học Việt Nam. Một câu chuyện khơi dậy trong mỗi người tình yêu đất nước và niềm trân trọng ký ức tuổi thơ. Các em hãy đọc để nhớ lại, để tự hào về hình ảnh những người anh hùng nhỏ tuổi.
Bên cạnh đó, các em cũng có thể tìm đọc những bài thơ viết về đề tài tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước của các tác giả như: Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đình Thi…
3. Chủ đề: Yêu thương và chia sẻ
Truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn người Mĩ O.Hen-ri ca ngợi tình yêu thương cao cả của con người, tình bạn và tôn vinh giá trị nghệ thuật.
Câu chuyện kể về Xiu và Giôn-xi là 2 nữ họa sĩ trẻ sống trong một khu nhà trọ. Cụ Bơ-men là một họa sĩ già cũng sống ở đó; cả đời cụ khao khát vẽ được một kiệt tác nhưng chưa thực hiện được. Mùa đông năm ấy, Giôn-xi bị bệnh sưng phổi rất nặng. Bệnh tật khiến cô tuyệt vọng và nghĩ rằng khi chiếc lá thường xuân cuối cùng bên cửa sổ rụng xuống sẽ là lúc mình lìa đời. Xiu vô cùng lo lắng và hết lòng chạy chữa cho bạn nhưng vô ích. Biết được ý nghĩ đó của Giôn-xi, cụ Bơ-men âm thầm thức suốt đêm mưa gió để vẽ chiếc lá thường xuân. Chiếc lá cuối cùng đã không rụng trong đêm bão lớn khiến Giôn-xi nghĩ lại, cô hy vọng và muốn được sống. Tuy nhiên, cụ Bơ-men lại chết vì bệnh sưng phổi sau một đêm đội mưa đội gió để vẽ hình chiếc lá cuối cùng lên tường nhằm cứu Giôn-xi. Tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” đã lay động lòng người về hình ảnh chiếc lá thường xuân cuối cùng vẫn chống chịu lại với con bão tuyết.
Hy vọng, một số cuốn sách trên sẽ giúp cho các em say mê đọc – học môn Ngữ văn hơn nữa. Bởi “Văn học là nhân học”, qua những câu chuyện đầy lòng nhân ái, tình yêu thương là những bài học vô cùng quý báu, là hành trang vững chắc cho các em bước vào đời.