Hồ Chí Minh- Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng!
Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về yêu dân và vì dân. Với nhân dân, Người ân cần, gần gũi, tôn trọng, khiêm nhường, yêu quý, lắng nghe. Người đau nỗi đau của nhân dân, buồn vì nỗi buồn của nhân dân, chia vui cùng niềm vui của nhân dân nhưng bao giờ cũng ý thức chịu khổ trước dân, hưởng vui sướng sau dân. Người luôn nêu cao đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh quan niệm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là bốn đức tính của con người, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương, Bác viết:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người.”
Đã từ lâu, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta. Trong các nhà trường, đối với việc giáo dục đạo đức cho học sinh thì không thể bỏ qua nhiệm vụ trọng tâm này.
Cụ thể như môn Giáo dục công dân lớp 8 có bài: “Liêm khiết.”Bên cạnh giúp các em học sinh hiểu thế nào là “Liêm khiết”, người liêm khiết có biểu hiện cụ thể như thế nào? Người giáo viên cần sử dụng phương pháp nêu gương để giúp các em hình dung và cảm nhận rõ hơn. Và chính Bác Hồ là một tấm gương sáng về phẩm chất này. Người đã từng giải thích rất cặn kẽ: “ Liêm” là trong sạch, là luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân; không tham địa vị, không tham tiền tài, …”. Nói như vậy và lời nói luôn đi đôi với hành động, việc làm. Cả cuộc đời Người đã sống rất trong sạch và liêm khiết. Người Việt Nam ta biết đến phẩm chất này ở Bác thì rất nhiều, người nước ngoài thì cũng không hiếm. Tôi chỉ xin dẫn nhận xét của một nhà báo người Mỹ: “Sức mạnh vĩ đại của cụ Hồ là ở chỗ cụ vẫn sống như những người Việt Nam bình thường, cụ đã khước từ những ngôi nhà đồ sộ, những bộ quân phục của các thống chế, những ngôi sao của các đại tướng. Trong cả một đời, tuy quan hệ với nhiều người Phương Tây đầy quyền uy, nhưng cụ đã chọn con đường khác hẳn con đường của họ. Cụ vẫn là một người Việt Nam trong sạch, liêm khiết…” Nói vậy thôi chưa đủ để các em cảm nhận, mà cần kể cho các em nghe những câu chuyện nói lên phẩm chất này ở Bác. Có một câu chuyện mà tôi tình cờ được nghe trên Đài phát thanh của xã, tôi muốn chia sẻ cùng các thầy cô và các em học sinh:
Câu chuyện: “ Bác Hồ và những tấm huân chương.”
“Tại Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 6, họp đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 73 năm ngày sinh của Bác kính yêu!
Trong kỳ họp này, các đại biểu đã nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Bác Hồ Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Biết tin ấy, Bác Hồ rất cảm động.
Phát biểu tại cuộc họp của Quốc hội, Bác nói: "Tôi vừa nhận được một tin tức làm tôi rất cảm động và sung sướng. Ðó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận huân chương ấy. Vì sao? Vì huân chương là để thưởng cho người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội".
Bác nhắc đến đồng bào miền Nam đang sống khổ cực dưới chế độ dã man của đế quốc Mỹ và tay sai, đang anh dũng kiên quyết đấu tranh giành thắng lợi và Bác nói tiếp: "Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu Thành đồng Tổ quốc và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất, vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng".
Năm 1967, Ðảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô quyết định tặng Bác Huân chương Lê-nin, nhưng Bác cũng đã từ chối, vì không muốn riêng mình được hưởng vinh dự đặc biệt to lớn. Người đề nghị BCH T.W Ðảng Cộng Sản Liên Xô tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Ðến ngày nhân dân Việt Nam đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, Người sẽ đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lê-nin vĩ đại!
Nhưng đến ngày Bác đi xa, trên ngực Bác vẫn không một tấm huân chương!
Câu chuyện đó có sức lay động hàng triệu trái tim con người Việt Nam. Tôi tin khi nghe câu chuyện này học sinh sẽ dễ dàng cảm nhận. Và thực tế khi tôi kể các em rất chú ý lắng nghe. Tôi còn nhìn thấy sự xúc động trong ánh mắt của các cô cậu học trò vốn rất hồn nhiên tinh nghịch này.
Thế đấy các bạn ạ! Giáo dục học sinh bằng phương pháp nêu gương thực sự rất hiệu quả. Hơn nữa, hiện nay trong xã hội có một số biểu hiện suy đồi các giá trị đạo đức trong giới trẻ thì việc giáo dục học sinh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở nên rất quan trọng và cần thiết. Thế nên, mỗi người giáo viên nói riêng và thế hệ hôm nay nói chung cần lưu giữ những hình ảnh về Bác và truyền lại cho thế hệ mai sau. Đặc biệt, đối với những người giáo viên, hãy giáo dục nhẹ nhàng bằng cách tích hợp nội dung này trong các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, GDCD, Hoạt động ngoài giờ lên lớp…Rất mong các thầy cô tìm hiểu và sử dụng hiệu quả bộ sách: “Bác Hồ và những bài học đạo đức lối sống dành cho Học sinh THCS; tìm đọc cuốn sách: “ Bác Hồ và những câu chuyện kể”; sưu tầm những câu chuyện về Bác để kể cho các em. Tôi tin rằng giờ học sẽ có sự lắng đọng và đạt được mục đích giáo dục. Chúc các thầy cô thành công trong sự nghiệp trồng người!