Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có, ngành nào, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”. Đối với các dân tộc phương Đông thì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. “Lấy gương người tốt, việc tốt giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Điều mà Bác Hồ quan tâm là làm sao giới thiệu những gương người tốt, việc tốt để mọi người noi gương, học tập và làm theo, đó cũng là cách để giới thiệu “những bông hoa rất đẹp trong vườn hoa chung của dân tộc”. Thực hiện lời dạy của người, mỗi người trong tập thể trường THCS Ngũ Hiệp luôn là những bông hoa đẹp, trong đó có bông hoa không rực rỡ nhưng âm thầm tỏa hương, cứ lặng lẽ bám trường, bám lớp, bên cạnh những người thầy, người cô để góp phần làm đẹp cho đời. Đó là bác Trần Trọng Lâm – nhân viên bảo vệ của nhà trường.
Về công tác tại trường năm 2018, một thời gian chưa phải dài nhưng cũng đủ để chúng tôi – những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa – cảm nhận được sự cống hiến và trách nhiệm của bác những ngày qua khiến chúng tôi phải nể phục.
Với công việc với đặc thù là bảo vệ an ninh trường học, đảm bảo an toàn cho người dạy và học, bác cùng tổ bảo vệ luôn gương mẫu chấp hành nội quy, quy định của cơ quan cũng như nghiêm túc thực hiện đúng trách nhiệm của một nhân viên bảo vệ. Hàng ngày, ngoài việc thường xuyên tuần tra toàn trường, các bác còn phải luôn túc trực tại cổng trường để kiểm tra, giám sát lượng người ra và vào, bảo đảm về công tác phòng cháy chữa cháy và mỹ quan trường học, kiểm tra các phòng học trước khi học sinh đến và sau khi học sinh về, đảm bảo không còn ai ở lại khu vực sau giờ tan trường, tránh tổn thất của cải, tài sản nhà trường.
Nghề bảo vệ có những đặc thù riêng, không phải trực hàng ngày mà trong những ngày Lễ, ngày Tết khi nhiều người được nghỉ thì bảo vệ phải làm việc, mà phải làm vất vả hơn ngày thường vì những kẻ xấu thường lợi dụng những ngày này để trộm cắp, nên các bác luôn phải đề cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm của bản thân khi làm nhiệm vụ.
Đặc biệt, những ngày học sinh nghỉ học vì dich Covid, bác không nề hà, quản ngại mà cùng anh em thực hiện công việc vệ sinh trường lớp, phun thuốc khử khuẩn. Khi giáo viên và học sinh trở lại trường học, bác cùng Đoàn Thanh niên túc trực để đo thân nhiệt, nhắc nhở học sinh rửa tay khử khuẩn, thực hiện giãn cách xã hội. Thời gian này, khi thời tiết nắng nóng, cô trò chúng tôi được dạy và học trong phòng điều hòa thì bác cùng anh em trong nhóm bảo vệ phải làm việc ngoài trời, nhìn các bác mồ hôi ướt đẫm, chạy qua chạy lại trong nhiệt độ cao, khiến chúng tôi thấy lòng mình rưng rưng.
Hình ảnh bác: Trần Trọng Lâm – nhân viên bảo vệ của nhà trường.
Với anh chị em trong trường cũng như với phụ huynh và học sinh bác luôn hòa nhã, cởi mở và trung thực. Không những vậy, bác còn là người
có đôi tay vàng bởi bất kể một việc gì bác cũng không nề hà,
quản ngại mà nỗ lực làm hết. Từ phần âm thanh (loa phát thanh) hay
chiếu sáng, các thiết bị điện, nước, bàn ghế hỏng, hay chỗ tường long tróc, chỗ
nền nứt nẻ, hay chỗ sàn lớp gạch lát bị phồng rộp, chăm sóc cây cối, sân vườn,
bác cùng anh em trong đội luôn làm một cách khéo léo, tỉ mỉ như những người thợ
chuyên nghiệp nên chúng tôi thường đùa gọi bác là kĩ
sư, là người đàn ông của gia đình (vì tập thể chúng tôi chủ yếu là nữ giới). Có
việc gì khó khăn, chúng tôi thường gọi nhờ đến bác, bác lại nhiệt tình,
vui vẻ giúp đỡ.
Hình ảnh bác: Trần Trọng Lâm – nhân viên bảo vệ của nhà trường.
Có lần, bác tâm sự với chúng tôi rằng vào nghề rồi mới hiểu. Nghề bảo vệ không những cần có nghiệp vụ, mà có khi phải đối mặt với nguy hiểm, lại thức khuya dậy sớm. Hơn nữa, người bảo vệ còn phải vượt qua những định kiến xã hội (vì nhiều người nghĩ rằng nghề bảo vệ chỉ dành cho những người có trình độ thấp, thường thất nghiệp…) thì mới tồn tại được. Nghề bảo vệ đòi hỏi khi ứng xử phải là người có văn hóa, nói năng chuẩn mực. Trong công việc cần phải cần mẫn và trách nhiệm, trung thực và can đảm để có thể xử lý tình huống, ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Được như vậy mới có thể trở thành một nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp được mọi người tin cậy, quý mến.
Bản thân tôi cũng nhận thấy, nhiều người cho rằng, nghề bảo vệ là nghề dành cho những người trình độ thấp và dành cho họ những ánh nhìn, cách cư xử thiếu tôn trọng. Nhưng khi hiểu rõ về công việc bảo vệ thì mới thấy suy nghĩ đó là sai lầm. Chính những người bảo vệ là những con người cần mẫn, ham học hỏi hơn ai hết. Như nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”. Công việc bảo vệ còn là công việc đặc thù bởi khi mọi người chìm trong giấc ngủ là lúc họ phải thức trắng đêm để thực hiện nhiệm vụ. Màn đêm không yên bình như mọi người vẫn thường nghĩ, ngược lại nó vô cùng náo nhiệt. Đó là thời gian hoạt động của trộm cắp, là thời gian tập kích của kẻ quấy phá trật tự an ninh. Vì vậy, đòi hỏi người bảo vệ phải có sức khỏe, sự dũng cảm để sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách.
Cảm ơn bác Lâm, một người bảo vệ trường học chuyên nghiệp, tận tâm, trách nhiệm, cảm ơn người chiến sĩ trường học, con người thầm lặng đã mang lại sự bình yên cho chúng tôi, và chính những người bảo vệ như bác đã đóng góp một phần không nhỏ vào thành công của nhà trường, vào sự trưởng thành của thế hệ trẻ hôm nay.