Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
“Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất
Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”
Lời bài hát trong trẻo và thiết tha ấy như được cất lên từ tận sâu trái tim mỗi con người Việt Nam khi nhắc về Bác - vị cha già kính yêu của dân tộc - Người dành trọn cuộc đời để lo cho dân, cho nước, hi sinh thầm lặng, quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc và nhân dân. Nhắc tới Bác là nhắc tới một cuộc đời rất đỗi thanh cao và bình dị. Nay Bác đã đi xa nhưng những gì mà Người đã để lại là vô giá, luôn trường tồn mãi với thời gian. Nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thư viện Trường THCS Ngũ Hiệp xin trân trọng gửi đến quý thầy cô cùng tất cả các em cuốn sách “Từ làng Sen” do tác giả Sơn Tùng và Lê Lam biên soạn. Sách do nhà xuất bản Kim Đồng thẩm định và xuất bản năm 2019. Sách được in 2000 cuốn, với độ dày 32 trang và in trên khổ 18,5 x 26 cm.
“Từ làng Sen” qua lời kể ngắn gọn, súc tích của nhà văn Sơn Tùng, với đôi bàn tay khéo léo thể hiện qua 25 bức tranh màu nước ấm áp của họa sĩ Lê Lam, đã khắc họa rõ nét nhất về hành trình từ thuở ấu thơ cho tới khi Người bước chân ra đi tìm đường cứu nước.
Mở đầu cuốn sách là hình ảnh làng Chùa, núi Hồng, sông Lam quê Bác, được nhà văn Sơn Tùng giới thiệu: “Bác Hồ từ thuở lọt lòng được cha mẹ đặt tên là Nguyễn Sinh Côn. Nơi đây có “núi Hồng, sông Lam”, nơi mảnh đất linh thiêng đã sinh ra những người con tài giỏi, rạng rỡ non sông đất nước như: Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Nguyễn Du,...và chính truyền thống hiếu học của quê hương là cái nôi vững chắc đầu tiên bồi đắp nên những tính cách cao đẹp của Bác.
Sinh ra trong hoàn cảnh lầm than, đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, hơn ai hết Người cảm nhận sâu sắc nỗi đau mất nước, và luôn nuôi một ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Phải chăng, lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến ấy của Bác được nhen nhóm từ những điều giản dị, bắt nguồn từ câu hát dân ca, điệu hò ví dặm, lời ca ông xẩm đầu làng?...
Cuốn sách như một bộ phim quay lại cả một hành trình sống trong gian khổ và trưởng thành trong khó khăn của Bác. Là hình ảnh Bác Hồ mới 5 tuổi bám lưng cha trèo đèo vượt dốc, đi bộ từ Nghệ An vào tận kinh đô Huế, mở đầu đường đi muôn dặm về khắp năm châu tìm phương cứu nước như ở trang 14. Là hình ảnh cậu bé Nguyễn Sinh Côn mới 10 tuổi, mẹ mất giữa những ngày giáp Tết, cha vắng nhà, phải chạy xin sữa nuôi em trong cảnh tứ cố vô thân mơi Hoàng thành triều Nguyễn như ở trang 17? Hay những câu chuyện đầy xúc động từ những nhân chứng, khiến cho người đọc cảm nhận rõ về con người của Bác, cũng như tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Cuốn sách khép lại với hình ảnh “Từ phía con tàu đang rời xa bến cảng Nhà Rồng, chở theo người đầu bếp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Ba, còn vọng lại tiếng nói của anh: “Tổ quốc ta, nhân dân ta phải có độc lập, tự do chứ không thể nô lệ mãi được”.
Nếu thầy cô và các em muốn tìm hiểu sâu hơn về mảnh đất xứ Nghệ “một nắng hai sương” có làng Sen thân thương, bình dị nhưng giàu truyền thống yêu nước, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; về trí tuệ, cốt cách thanh cao của cụ phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, tình yêu thương vô bờ bến, sự hi sinh lặng thầm cụ Hoàng Thị Loan; hay những năm tháng tuổi thơ vất vả, gian khó của Bác Hồ, thì chúng ta hãy cùng tìm đọc cuốn sách “Từ làng Sen” trong tủ sách Bác Hồ tại thư viện trường nhé. Cô hy vọng rằng sau khi đọc xong cuốn sách này, các em không chỉ tự hào và biết ơn mà còn luôn coi Bác là tấm gương sáng để chúng mình học tập, rèn luyện và trở thành người vừa có tài, vừa có đức như lời chỉ dạy của Người.