Thực trạng và một số biện pháp Giáo dục học sinh cá biệt
trong nhà trường THCS
I- Đặt vấn đề:
Mục tiêu giáo dục của bậc THCS là “… Tiếp tục phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản của nhân cách con người Việt Nam Xã hội chủ nghĩa có trình độ học vấn THCS và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học PTTH, THCN, học nghề hoặc đi vào cuộc sống”.
Vấn đề đặt ra là trường THCS có nhiệm vụ giáo dục học sinh phát triển trở thành con người hữu ích cho xã hội và trước tiên là phát triển về mặt nhân cách.
Về mặt nhân cách, hay nói cụ thể hơn là đạo đức, hạnh kiểm học sinh (HS) phải được hình thành trên cơ sở tự rèn luyện của bản thân học sinh ngay trên ghế nhà trường THCS. Đó là ý thức học tập nghiêm túc, chấp hành đúng nội qui lớp học, trường học, chấp hành đúng pháp luật.
Nhưng thực trạng hiện nay, ở hầu hết các trường THCS đều xuất hiện một bộ phận HS không chấp hành tốt nội qui nhà trường, học tập không nghiêm túc …làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền nếp chung của nhà trường và chất lượng học tập giảm sút. Số HS này thường được gọi là học sinh cá biệt (HSCB) có xu hướng phát triển. Nhà trường, giáo viên cũng đã có nhiều biện pháp uốn nắn, giáo dục nhưng chưa có hiệu quả.
Với phạm vi bài viết này, bản thân đề xuất một số biện pháp để giáo dục HSCB, mong tìm ra giải pháp tháo gỡ tình hình HSCB trong trường học.
II- Tình hình học sinh cá biệt ở trường THCS:
1) Khái niệm về học sinh cá biệt:
Học sinh cá biệt là thuật ngữ thường dùng của nhà trường, thầy cô giáo chỉ những học sinh hoang nghịch: thường gây gổ đánh nhau, bỏ giờ, trốn học…, không chấp hành nội qui nhà trường … thêm vào đó là sự lôi kéo của bạn bè về phía mình nhằm thỏa mãn cá tính hoặc thỏa mãn nhu cầu giải tỏa tâm lý bị ức chế về hoàn cảnh của bản thân mình.
2) Tình hình HSCB ở trường THCS:
Qua theo dõi đã phát hiện những năm gần đây, hiện tượng HSCB có phần gia tăng và ở nhiều cấp độ khác nhau. Nó đã để lại hậu quả như một “di căn” sau những vụ việc xảy ra ở các trường THPT: đánh thầy giáo, cướp của giết người, đánh lộn dẫn đến chết người... và những hành vi khác của thanh thiếu niên, học sinh tác động trực tiếp đến học sinh đang học trong nhà trường.
Học sinh cá biệt biểu hiện ở nhiều khía cạnh, trạng thái khác nhau, tạm chia làm 4 nhóm:
- Nhóm 1. Gây gổ đánh nhau, kết bè thành băng nhóm.
- Nhóm 2. Bỏ giờ trốn học dẫn đến học tập sa sút hơn.
- Nhóm 3. Quậy phá, thiếu nghiêm túc trong học tập.
- Nhóm 4. Ương ngạnh, học đòi, không nghe lời thầy cô giáo, ý thức tổ chức kỷ luật kém.
III- Nguyên nhân phát sinh học sinh cá biệt:
Rất nhiều yếu tố làm cho HS trở thành HSCB, nhưng ở đây chỉ nêu một số nguyên nhân tác động trực tiếp đến HS làm nảy sinh những tư tưởng, tình cảm không lành mạnh làm ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách và làm hạn chế đến năng lực học tập của các em.
1 - Ảnh hưởng của sự phát triển xã hội theo cơ chế thị trường.
2 - Ảnh hưởng của môi trường giáo dục gia đình.
Như vậy, HSCB phát sinh từ những ảnh hưởng không tốt của môi trường giáo dục gia đình, đó là:
- Gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn
- Gia đình chỉ lo làm ăn, không quan tâm đến việc học của con cái
- Gia đình có cha mẹ bất hòa, không có hạnh phúc
IV- Những biện pháp hạn chế và giáo dục học sinh cá biệt:
1- Giáo dục HS thông qua giờ sinh hoạt trường:
- Để cho HS nắm bắt được việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm (HK) tức là những chuẩn mực các em đạt được trong quá trình rèn luyện hạnh kiểm của mình, nhà trường cần phải thông báo cho các em biết được các mức độ xếp loại HK (tốt, khá, trung bình, yếu) Hiểu được thì các em sẽ tránh được vi phạm mà các em mắc phải, để rồi các em khỏi phải bị xếp loại HK yếu, khỏi phải liệt vào danh sách HSCB.
- Tổ chức cho HS thảo luận nội qui nhà trường và hướng dẫn cho các em thực hiện nội qui, có chế độ khen chê công bằng, khách quan.
- Trong buổi chào cờ đầu tuần, cần phải đánh giá nhận xét chu đáo, nêu gương người tốt, việc tốt để các em noi theo, hạn chế những vi phạm nội qui lớp học, trường học.
2- Giáo dục HS thông qua giờ sinh hoạt lớp:
Ngoài việc giáo dục HS thông qua giờ sinh hoạt trường, giờ sinh hoạt lớp (SHL) cũng rất quan trọng trong vấn đề này. Bởi vì thông qua giờ SHL, GVCN, CB lớp kịp thời uốn nắn những sai trái khuyết điểm của HS khi bị vi phạm, lấy tình cảm bạn bè, lấy nghĩa thầy trò làm cho các em thấy được khuyết điểm của mình. Đồng thời với sự chân thành của GVCN, HS trong lớp, HS khi vi phạm sẽ sớm nhận ra lỗi của mình mà sửa chữa.
Trong khi giáo dục các em, GVCN tìm ra và xác định đúng nguyên nhân đã tác động đến các em làm cho các em mắc sai lầm, vi phạm, vận dụng những điều khoản trong nội qui, trong qui định xếp loại của TT40 làm cho các em thấy được phạm vi vi phạm ở mức độ nào và nêu ra hướng cho các em khắc phục. GVCN nêu những việc làm tốt, những cố gắng nỗ lực của các thành viên trong lớp để xây dựng tập thể lớp thành lớp tiên tiến … với thành tích như vậy thì không được bất cứ thành viên nào trong lớp phá vỡ.
3- Kết hợp với Hội PHHS để giáo dục HS:
Hội PHHS là cầu nối giữa nhà trường, GVCN với gia đình HS. Tổ chức Hội ngoài việc giúp nhà trường xây dựng CSVC còn góp phần cùng nhà trường giáo dục HSCB.
Thực tế, những năm qua Thường trực Hội PHHS đã giúp cho nhà trường, GVCN bằng cách tác động với PH để giáo dục HS từ chỗ bỏ học, trốn học đến đi học chuyên cần và học tập nghiêm túc. Mặt khác, TT Hội PHHS đã tác động đến gia đình các em để cha mẹ các em quan tâm và có trách nhiệm đối với con cái của họ hơn, từ đó sẽ hạn chế được HS hoang nghịch.
4- Dùng phương pháp kết bạn:
Thường lứa tuổi HS dễ bị ảnh hưởng những thói hư tật xấu nhưng cũng dễ tiếp thu những điều hay lẽ phải, dễ hòa mình vào những trò chơi có tính tập thể, tính giáo dục cao. Do đó GVCN nên phân công một nhóm bạn tốt, cùng hoàn cảnh, cùng sở thích, ước mơ... sinh hoạt, học tập với đối tượng này dần dần lôi kéo các em hòa nhập vào các cuộc chơi bổ ích, từ đó xóa bỏ các mặc cảm là HS hư để rồi cùng với các thành viên trong lớp xây dựng tập thể vững mạnh.
Mặt khác, thông qua nhóm bạn tốt, GVCN giao cho HSCB thực hiện một số công việc, tạo những điều kiện để những HS này hoàn thành và động viên khích lệ các em để các em xóa những tự ti, mặc cảm là HSCB để hòa mình với bạn bè. Ngoài ra có thể vận động gia đình của nhóm bạn tốt tham gia vào việc giúp đỡ những HS này bằng cách tạo cho các em tâm lý xem gia đình của bạn như gia đình mình, tạo điều kiện cho các em cùng tham gia học tập với con em mình để tách dần ra khỏi nhóm bạn chưa ngoan. Việc làm này cả là một cố gắng trong đó vai trò của GVCN rất quan trọng và sự tham gia của Hội PHHS là rất cần thiết.
V- Kết luận:
Trong thực tế, các nhà trường, thầy cô giáo cũng đã từng vận dụng những biện pháp nêu trên và một số biện pháp khác, nhưng vì chưa nắm được nguyên nhân và chưa phân tích các đối tượng cụ thể. Đồng thời, việc phối hợp giữa các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường chưa chặt chẽ, đồng bộ nên việc giáo dục HS chưa có hiệu quả cao.
Nếu chúng ta phân tích được các nhóm đối tượng HSCB và tìm hiểu, phân tích kỹ những nguyên nhân dẫn đến HS hoang nghịch đồng thời biết kết hợp và vận dụng các biện pháp trên phù hợp cho từng đối tượng thì sẽ hạn chế và giáo dục HSCB trở thành con ngoan, trò giỏi.