Một số kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm lớp
Với cương vị là một giáo viên chủ nhiệm lớp, tuổi đời và tuổi nghề còn non trẻ xong tôi cũng xin mạo muội nêu lên một số hiểu biết mà tôi áp dụng về công tác chủ nhiệm lớp trong năm học vừa qua có hiệu quả như sau:
Là một giáo viên tôi thấy rằng khi gánh vác một nhiệm vụ phấn đấu về chuyên môn tốt đã khó, xong việc đảm nhận và làm tốt công tác của một giáo viên chủ nhiệm lớp là cả một nghệ thuật. Trước hết tôi thấy muốn đạt được kết quả tốt thì đó phải là một giáo viên có tâm huyết, nhiệt tình trong công tác chủ nhiệm lớp, luôn coi học sinh trong lớp chủ nhiệm là những đứa con yêu quý trong một gia đình mà thầy, cô giáo đó là người mẹ thật vất vả. Người mẹ đó phải luôn xoay sở, tìm mọi cách giáo dục, quản lí những đứa con với những tính nết, suy nghĩ thật khác nhau.
Một kinh nghiệm khác mà tôi rút ra được sau khi làm công tác chủ nhiệm đó là tạo ra nhiều hình thức trong các hoạt động phong trào như tổ chức các ngày kỉ niệm 20/10, 20/11, 8/3...tổ chức sinh nhật theo quý, hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
Trong quá trình giáo dục các em thì GVCN không nên quá cứng nhắc bằng việc mắng, đưa ra nhiều hình thức phạt, kỉ luật với những việc các em hoàn thành chưa tốt. Nếu vậy chắc chắn các em sẽ thấy nặng nề, đôi khi xấu hổ với bạn dễ sinh tâm lí chán nản, hoặc ngược lại sinh ra tính lì lợm, lâu dần sẽ không tốt. Bên cạnh đó, người giáo viên cũng không nên quá dễ dãi, “quá hiền”, các em sẽ tỏ ra không sợ giáo viên, không coi trọng những điều giáo viên nói. Theo tôi một cách thực sự hiệu quả là người GVCN nên kết hợp uyển chuyển cả hai cách trên thì sẽ có được hiệu quả tốt.
Không chỉ trong giờ học mới bao quát toàn bộ đối tượng học sinh mà trong công tác củ nhiệm cũng cần phải làm tốt điều này. Tôi xin nêu một ví dụ như sau: học sinh nói tự do, hay trêu ghẹo các bạn, không chấp hành tốt về việc mặc đồng phục của trường, đi học muộn, lười ghi chép bài các môn học. Mặc dù đã dùng nhiều hình thức phạt, làm kiểm điểm …song sự chuyển biến rất ít. Tôi nghĩ mình thất bại trong công tác chủ nhiệm. Song sau một lần tiếp xúc, trò chuyện với hs tôi thấy em cũng rất cá tính, đặc biệt em có năng khiếu vẽ rất tốt. Ngay sau đó tôi đã cho em chuộc lỗi bằng việc tham gia và chịu trách nhiệm chính về cuộc thi vẽ tranh đề tài “bảo vệ môi trường” do Đội phát động cùng một số học sinh khác (có cả học sinh ý thức tốt và kém). Cùng với đó tôi luôn gần gũi, động viên giúp em trong việc định hướng một chủ đề cho bài thi sau khi đã lấy ý kiến của học sinh cả lớp. Em đó đã rất cố gắng và tỏ ra rất trách nhiệm. Mặc dù được giải không cao song việc tôi đưa ra hình thức khen thưởng, tuyên dương em trước cả lớp đã làm em rất phấn khởi. ngay sau đó việc chấp hành mọi nội quy của lớp, trường em đã làm thực sự rất tốt.
Tôi đã lập các bản theo dõi thi đua chéo giữa các tổ trong lớp. Đến cuối một tuần sẽ tổng hợp từng học sinh và sau mỗi tháng sẽ tổng kết các tổ và đề ra hình thức tuyên dương khen thưởng. Trong lớp các con rất hào hứng với các hình thức thi đua về nề nếp và học tập. Chính vì thế tập thể lớp luôn đứng đầu trong khối và xếp vị trí thứ nhất toàn trường.
Điều quan trọng hơn nữa là, trong quá trình chủ nhiệm, để làm tốt công tác chủ nhiệm của mình, tôi đã không nôn nóng, vội vàng mà luôn điềm tĩnh, vạch định kế hoạch rõ ràng về thời gian, về nội dung công việc và hình thức thực hiện công việc. Đồng thời luôn tranh thủ được sự giúp đỡ của những nguồn lực khác trong nhà trường, từ phía gia đình học sinh và từ chính sự tích cực của các đối tượng học sinh. Tôi muốn gửi gắm đến mỗi giáo viên khi làm công tác chủ nhiệm là: “Hãy xem tập thể lớp là gia đình của mình và các em học sinh là con cái của mình; chăm sóc gia đình mình, yêu thương con cái mình như thế nào thì hãy chăm sóc tập thể lớp và yêu thương các em học sinh của mình như thế”.