Một thứ quà của lúa non: Cốm
Bài tập 1. Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“Cốm không phải thức quà của người ăn vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong cái chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ. Chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ủ trong lá sen.”
(Ngữ văn 7, tập một)
Câu 1. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Nêu tên tác giả?
Câu 2. Nêu tác dụng của 2 quan hệ từ được sử dụng trong câu in đậm của đoạn văn trên?
Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của 2 từ Hán Việt được sử dụng trong câu văn: “Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong cái chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc.”
Bài tập 2.
“Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam. Ai đã nghĩ đầu tiên dùng cốm để làm quà sêu tết. Không còn gì hợp hơn với sự vương vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi … Và không bao giờ có hai màu lại hòa hợp hơn được nữa: màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quí, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền.”
Câu 1. Đoạn trích trên trích từ văn bản nào? Tác giả của văn bản có đoạn trích trên là ai?
Câu 2. Văn bản có chứa đoạn trích được viết theo thể loại nào?
Câu 3. Các từ “thanh đạm”, “ngọt sắc” thuộc từ loại nào?
Câu 4. Phân tích cấu tạo ngữ pháp câu văn: “Cốm là một thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam”.
Câu 5. Nêu nội dung đoạn trích trên?
Câu 6. Từ nội dung của đoạn, hãy nêu suy nghĩ, tình cảm của em về những đặc sản của thành phố quê hương.
Bài tập 3. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
“Cốm không phải là thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ. Chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ủ trong lá sen. Khi các cô gái Vòng đỗ gánh, giở từng lớp lá sen, chúng ta thấy hiện ra từng lá cốm, sạch sẽ và tinh khiết, không có mảy may một chút bụi nào. Hỡi các bà mua hàng! Chớ có thọc tay mân mê thức quà thần tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chút chiu mà vuốt ve. Phải nên kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người, và sự cố tiềm tàng và nhẫn nại của thần Lúa. Sự thưởng thức của các bà sẽ được trang nhã và đẹp đẽ hơn, và cái vui cũng sẽ tươi sáng hơn nhiều lắm.”
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là gì?
Câu 2. Theo tác giả, cần phải thưởng thức cốm như thế nào? Vì sao? Qua cách thưởng thức này, tác giả thể hiện thái độ nào với món ăn dân giã mà đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc?
Câu 3. Nhận xét về cách miêu tả, giọng văn được sử dụng trong đoạn văn trên? Nêu tác dụng của nó.
Câu 4. Từ ngữ liệu trên, em hãy viết đoạn văn thể hiện những việc làm để giữ gìn, phát huy những giá trị vật chất, tinh thần của quê hương.
Bài tập 4. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
“Bánh cuốn Thanh Trì đặc biệt nhất ở chỗ tráng mỏng hành mỡ thoa vào mướt mặt mà nếm vào thì thanh nhẹ, mát rượi đi. Ở trong thúng, bánh được xếp thành lớp kiểu như bực thang, trên những lá chuối xanh trong màu ngọc thạch; sắc trắng của bánh nổi bật lên, nhưng nổi bật lên một cách hiền lành; và người ta tưởng tượng đến những người con gái bé nhỏ đứng ở dưới tầu tiêu đẹp một cách kín đáo và lành mạnh.
Ngay từ lúc trông thấy bàn tay người bán bánh bóc từng chiếc một, rồi cuộn lại một cách lơ là, bày trên những chiếc đĩa khiêm nhường, ta đã thấy yêu ngay những cái bánh óng ả, mềm mại đó rồi. Có khi đương cầm đũa, ta muốn bỏ ngay ra để lấy ngón tay nhón từng chiếc bánh đưa lên cho khẽ chạm lấy môi ta như kiểu một cái hôn yêu trong buổi đầu trao duyên thứ nhất.
Bánh thơm dìu dịu, êm êm. Cầm một chiếc, dầm vào trong chén nước chấm rồi đưa lên miệng, ta sẽ thấy cả một sự tiết tấu nhịp nhàng của bánh thơm dịu hòa với nước chấm dịu hiền, không mặn quá, không chua quá, mà cũng không cay quá...”
(Theo Vũ Bằng)
Câu 1. Đọc đoạn trích trên khiến em liên tưởng đến một văn bản đã học nào cũng viết về một món ngon của Hà Nội? Nêu tác giả, thể loại và xuất xứ của văn bản đó?
Câu 2. Hãy đặt cho đoạn trích trên một nhan đề phù hợp.
Câu 3. Chỉ rõ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ trong câu văn cuối đoạn trích trên?
Câu 4. Tìm 2 từ đồng nghĩa với từ in đậm trong đoạn trích trên? Chỉ ra cái hay của việc sử dụng từ in đậm đó?
Câu 5. Mỗi mảnh đất đều có những đặc sản, những món ngon rất riêng mang đặc trưng vùng miền. Em hãy viết một đoạn văn biểu cảm (6 – 8 câu) nêu ấn tượng về một món ngon của địa phương mà em yêu thích.
Bài tập 5. Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“... Phở giúp cho người thanh bạch đủ điều kiện biểu hiện lòng thành theo với bầu bạn nó hợp với cái túi nhỏ của mình. Phở còn tài tình ở cái chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thúy. Mùa nắng, ăn một bát phở, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt nhợt thắm tươi lại. Trong những ngày mùa đông của người nghèo, bát phở có giá trị như một tấm áo kép mặc thêm lên người. Đêm đông, có người ăn phở xong, tự coi như vừa nuốt được cả một cái chăn bông và tin rằng có thể ngủ yên đến sáng, để mai đi làm khỏe. Dùng những hình ảnh bình dị để nói lên mùa đông ở Việt Nam, tôi cho không gì nên thơ bằng cái hình ảnh một bếp lửa hàng phở bên ô tô nhiều hành khách vây quanh chờ đợi bát mình, vai rụt xuống một tí, người nhún nhẩy như trẻ em đang chơi thú đời. Tết, nhà ai cũng bánh chưng, cá kho, thịt đông, nhưng vẫn rất đông người tình cờ mừng tuổi nhau ở những hiệu phở khai trương từ mùng Hai Tết.”
(Nguyễn Tuân, trích Phở, 1957)
Câu 1. Trình bày nội dung chính của đoạn văn trên?
Câu 2. Đoạn văn trên khiến em liên tưởng đến một văn bản nào trong chương trình Ngữ văn 7, tập 1 cũng nói về một món ngon Hà Nội? Nêu tên tác giả?
Câu 3. Tìm một cặp từ trái nghĩa trong đoạn văn trên?
Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của thành phần trạng ngữ trong câu văn in đậm của đoạn văn trên?