TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC PHÒNG CHÔNG HIV/AIDS
TRONG NHÀ TRƯỜNG THÔNG QUA TIẾT DẠY CHUYÊN ĐỀ
MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN.
HIV/AIDS đã và đang là vấn đề xã hội mang tính chất toàn cầu.Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến cuối năm 2017, Thế giới có khoảng 36,9 triệu người đang phải sống chung với HIV, 35 triệu người chết vì AIDS. Trong năm 2017, vẫn có 1,8 triệu ca nhiễm mới. Như vậy có thể nói rằng đến nay HIV/AIDS vẫn là đại dịch nguy hiểm, tiếp tục đe dọa sức khỏe, tính mạng con người và an sinh xã hội.
Ở Viêt Nam, trải qua hơn 20 năm nỗ lực phòng chống dịch bệnh, mặc dù đã có những kết quả đáng ghi nhận, nhưng nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn. Theo thống kê của Bộ Y tế Năm 2017: Cả nước có 208. 371 người nhiễm HIV, 91.480 người tử vong vì AIDS.Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.497 trường hợp nhiễm HIV. Ước tính vẫn còn khoảng 30 % số người bị nhiệm HIV chưa biết về tình trạng của mình đang sống trong cộng đồng. Cho đến nay vẫn chưa có vac-xin phòng bệnh. Vậy phòng tránh vẫn là việc làm hết sức cần thiết.
Cùng với các tổ chức xã hội, các cơ quan đoàn thể, nhà trường cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục học sinh ý thức phòng chống nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt là ở bộ môn Sinh học, môn Giáo dục công dân ở trường THCS. Mỗi bộ môn có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, tất cả đều nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS để các em chủ động phòng tránh. Trong phạm vi môn GDCD, tổ nhóm Sử - GDCD trường THCS Ngũ Hiệp đã tiến hành thực hiện chuyên đề: “Giáo dục học sinh ý thức cảnh giác và làm theo pháp luật qua bài dạy môn GDCD lớp 8”. Thông qua chuyên đề này chúng tôi mong muốn giúp các em thấy thực trạng HIV/AIDS hiện nay, tính chất nguy hiểm của đại dịch, từ đó giáo dục cho các em ý thức cảnh giác, phòng chống lây nhiễm HIV cho bản thân, gia đình, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động phòng chống nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.
Quá trình thực hiện chuyên đề cụ thể như sau:
*Chuẩn bị chuyên đề:
Tổ, nhóm chuyên môn cùng trao đổi, thảo luận, xây dựng chuyên đề. Đảm bảo đa dạng các hoạt động dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh. Khuyến khích việc đưa ra các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để phát huy hết năng lực của người học, tạo không khí sôi nổi, hứng thú cho giờ học. Học sinh cũng cùng các thầy cô tham gia vào khâu chuẩn bị cho chuyên đề. Các em tìm hiểu những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, tìm các số liệu, hình ảnh liên quan, đóng vai thể hiện tình huống, vẽ tranh, sáng tác khẩu hiệu, thuyết trình về bức tranh mang thông điệp đến cho mọi người.
*Thực hiện chuyên đề:
Mở đầu tiết học, giáo viên cung cấp vi deo, hình ảnh về vi rút HIV, thông tin cập nhật với số liệu cụ thể về HIV/AIDS ở Việt Nam và thế giới, ở Thành phố Hà Nội và ở huyện Thanh Trì để học sinh thấy được thực trạng HIV/AIDS hiện nay, tính chất nguy hiểm của đại dịch. Sau đó tiếp tục khai thác lá thư của bạn gái trong phần đặt vấn đề của Sách giáo khoa để thấy được tác hại của HIV đối với bản thân, gia đình người nhiễm. Nỗi đau đến với bản thân và gia đình người bị nhiễm HIV thực sự là quá lớn! Các em cũng đã cảm nhân được nỗi đau ấy qua những chia sẻ, tâm sự của người bạn gái. Nhờ có video nên các em hình dung rất rõ các hành vi có nguy cơ lây nhiễm HIV nên kết quả thảo luận nhóm được các em hoàn thành rất nhanh chóng. Việc ứng dụng CNTT thực sự phát huy hiệu quả rất tốt. Đó chính là cơ sở để phát huy tính tích cực và kĩ năng làm việc nhóm của học sinh. Kết hợp với việc giới thiệu các hoạt động phòng chống nhiễm HIV/AIDS của cả nước, của Thành phố Hà Nội để các em hình dung nỗ lực của Nhà nước ta trong cuộc chiến với Đại dịch thế kỉ. Từ đó học sinh liên hệ các hoạt động phòng chống nhiễm HIV/AIDS ở địa phương. Hoạt động liên hệ cũng diễn ra hết sức tự nhiên và sôi nổi.
Học sinh được tham gia đóng vai thể hiện tình huống, giải quyết tình huống sau đó rút ra trách nhiệm của công dân. Bài học được rút ra một cách nhẹ nhàng và thấm thía thông qua việc giải quyết một tình huống thường gặp đối với bản thân và gia đình người nhiễm HIV. Qua đó các em hình thành thái độ cảm thông, chia sẻ, không phân biệt đối xử với họ. Giáo viên tổ chức cho các em tham gia Hội thi tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS. Giờ học thực sự đã trở thành sân chơi để học sinh bộc lộ tài năng và sự sáng tạo!
*Kết quả đạt được:
Chuyên đề đã thành công tốt đẹp. Giáo viên và học sinh phối hợp nhịp nhàng, Học sinh sôi nổi, hứng thú, tích cực. Và quan trọng hơn là các em được trang bị những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, hiểu đúng về căn bệnh này. Từ đó biết tự bảo vệ mình và tích cực tham gia các hoạt động phòng chống nhiễm HIV/AIDS. Tôi mong rằng chuyên đề này sẽ được nhân rộng ở tất cả các khối, lớp để chúng ta cùng chung tay góp phần ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ đại dịch! Chúng ta hãy cùng hành động!
“Vì một thế giới tươi đẹp, hãy chung tay phòng, chống nhiễm HIV/AIDS”!
Thay mặt tổ Sử - GDCD:
Nguyễn Thị Yến
- Một số hình ảnh minh họa cho bài dạy: