Tổ chức trò chơi theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực
cho học sinh THCS trong môn Ngữ văn 7
Năm 2018, Bộ giáo dục và Đào tạo công bố chương trình Giáo dục phổ thông mới (chương trình giáo dục phổ thông tổng thể). Chương trình được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực học sinh, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại góp phần tạo ra những chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông: kết hợp dạy chữ, dạy người, định hướng nghề nghiệp, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Nói cách khác, giáo dục góp phần đào tạo ra những con người tích cực, chủ động, sáng tạo trong hoạt động chiếm lĩnh tri thức, là những con người học để làm, học để sống tốt hơn. Để thực hiện được mục tiêu ấy, đổi mới phương pháp dạy học được coi là vấn đề “sống còn”, “then chốt”. Nghị quyết TW2, khóa VIII đã chỉ rõ: “Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nét tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy và học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu của học sinh…”.Để đổi mới phương pháp dạy học, nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học mới được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng. Một trong những phương pháp góp phần tích cực vào việc đổi mới dạy và học là đưa các trò chơi phù hợp với đối tượng học sinh và nội dung bài học nhằm phát huy năng lực của học sinh và tăng thêm hứng thú cho giờ học, qua đó để nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn.Trong tất cả các môn học nói chung và môn Ngữ văn nói riêng, người giáo viên muốn nâng cao chất lượng bộ môn thì điều đầu tiên là phải làm cho học sinh có hứng thú, có tâm thế học bài thật tốt. Lứa tuổi học sinh THCS đặc biệt là các em học sinh lớp 7 khả năng tập trung trong giờ học là chưa cao nên việc đưa trò chơi vào các tiết học là một giải pháp đem lại hiệu quả tốt. Nó sẽ giúp tạo ra được nhiều hình ảnh trực quan sinh động, tác động đến tư duy của học sinh,…Từ những điều trên, kết hợp với thực tế giảng dạy, tôi đã nghiên cứu và chọn viết đề tài sáng kiến kinh nghiệm: “Tổ chức trò chơi theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh THCS trong môn Ngữ văn 7”
Trường THCS Ngũ Hiệp trong những năm gần đây môn Ngữ văn đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Dưới sự chỉ đạo của Sở giáo dục Hà Nội, của Phòng giáo dục huyện Thanh Trì đặc biệt là đồng chí chuyên viên phụ trách chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường đã rất chú trọng với việc lựa chọn và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn văn là các giáo viên say mê với nghề, yêu mến học sinh, có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy. Ban giám hiệu cũng thường kết hợp với các giáo viên nòng cốt có kinh nghiệm đi dự giờ các tiết dạy trên lớp, góp ý chi tiết cụ thể giờ dạy, triển khai các tiết chuyên đề và ứng dụng các sáng kiến kinh nghiệm đạt giải Thành phố vào thực tiễn giảng dạy. Ngôi trường mới được xây dựng nên cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường được đầu tư hiện đại, ...Học sinh chủ động, thích tìm hiểu, khám phá những kiến thức mới trong chương trình và được tham gia nhiều với trò chơi nên tiết học Ngữ văn cũng trở nên sôi nổi, hào hứng hơn bởi giáo viên tiếp cận với phần mềm trò chơi và hướng tới sân khấu hóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, lý thú,...
Mặc dù trường mới và khang trang hơn nhưng gần như các phòng học chưa được trang bị máy projecto. Khi dạy giáo viên phải di chuyển tới phòng học chức năng; trình độ tin học không đồng đều; lớp học đông, việc di chuyển khi tham gia trò chơi cũng bị hạn chế; học sinh vẫn còn tâm lý e dè, ngại thể hiện trước đám đông; việc chuẩn bị trò chơi cũng mất nhiều thời gian nên nhiều giáo viên né tránh, chỉ tập trung việc truyền đạt kiến thức...
Để trò chơi đạt hiệu quả cao.
* Đối với giáo viên:
Để có thể áp dụng đa dạng các trò chơi, giáo viên cần thực hiện các công việc cụ thể sau :
- Xác định được chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực, phẩm chất cần hình thành ở mỗi bài dạy ( hoặc chủ đề ), chú trọng năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống thực tiễn và năng lực sáng tạo
- Soạn bài, thiết kế các hoạt động dạy và học, các trò chơi có thể áp dụng sao cho phù hợp với nội dung bài học, với đối tượng học sinh, với không gian lớp học và đồ dùng dạy học hiện có. Nếu trò chơi có kiến thức liên quan đến bài cũ hoặc tích hợp với môn học khác, giáo viên cần có hướng dẫn học bài từ tiết trước để học sinh không bị động.
- Chuẩn bị phần thưởng, quà tặng phù hợp để khuyến khích học sinh
- Vận dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, thiết kế đồ dùng dạy học phục vụ cho trò chơi, khuyến khích học sinh làm đồ dùng ứng dụng trò chơi ( Vòng quay kì diệu, gấp máy bay giấy, hạc giấy, Cây hoa dân chủ...)
- Tập trung chú ý tới nhiều đối tượng học sinh, khuyến khích được học sinh hào hứng sôi nổi tham gia trò chơi
- Không lạm dụng trò chơi quá nhiều trong 1 tiết học dẫn đến việc hình thành kiến thức hời hợt hoặc để giờ học quá ồn ào, quá lộn xộn.
- Không yêu cầu học sinh dành quá nhiều thời gian ở nhà cho việc chuẩn bị trò chơi.
- Nên dự kiến các tình huống xảy ra trong quá trình tổ chức trò chơi.
* Đối với học sinh - người chơi:
- Chuẩn bị về kiến thức, kĩ năng liên quan đến trò chơi.
- Chuẩn bị về tâm lý, sẵn sàng và hào hứng với trò chơi, sẵn sàng hợp tác với bạn cùng đội chơi.
Sau 2 năm thực hiện theo phương pháp đổi mới,tôi nhận thấy giờ văn đã có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực. Nếu như trước đây giờ văn thường khô khan,cứng nhắc và gần như có tới 50% học sinh không thích, không hào hứng thì nhờ có phương pháp đổi mới này tôi thấy đa số học sinh đã yêu thích và hào hứng hơn với mỗi giờ học văn.Từ đó cũng giúp các em có sự thay đổi,tiến bộ rõ rệt về mọi mặt,đặc biệt là những học sinh yếu kém,cá biệt.
Từ kết quả trên có thể nhận thấy rõ hiệu quả của việc đưa trò chơi vào giờ dạy học môn ngữ văn đã mang lại cho học sinh sự yêu thích môn học và từ đó giúp các em đạt kết quả cao.