Trong thời điểm dịch Covid đang hoành hành, việc học trực tuyến đang được các nhà trường thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học, kết thúc năm học theo mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Thầy và trò trường THCS Ngũ Hiệp đang gấp rút ôn thi vào 10. Các tiết học Online không khoảng cách đã và đang diễn ra từng ngày từng giờ. Nhằm để tạo điều kiện cho học sinh ôn tập hiệu quả, đạt được điểm số cao trong bài thi sắp tới, tôi xin phép được chia sẻ một số giải pháp rèn kĩ năng viết đoạn văn cho học sinh qua chuyên đề sau:
HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÁT HIỆN NHỮNG LỖI THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH SỬA LỖI KHI VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC VỀ TÁC PHẨM TRUYỆN HOẶC ĐOẠN TRÍCH.
Giáo viên: Hồ Thị Thu Huyền.
I. NHỮNG LỖI HỌC SINH THƯỜNG MẮC PHẢI KHI VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC.
1. Diễn đạt
- Chính tả, chữ viết, dùng từ ...
- Câu sai ngữ pháp, rườm rà, tối nghĩa, không đủ thành phần, …
- Lập luận thiếu chặt chẽ…
2. Kiến thức:
- Thiếu, thừa kiến thức so với giới hạn đề yêu cầu.
- Sai kiến thức cơ bản.
- Thiếu kiến thức liên hệ, mở rộng, nâng cao vấn đề….
3. Phương pháp – kĩ năng:
- Không quan tâm đến yêu cầu thể loại, giới hạn đề yêu cầu.
- Sai dạng đoạn văn
- Câu chủ đề chưa rõ; luận cứ chưa đảm bảo để làm sáng tỏ luận điểm.
- Thiếu kiến thức Tiếng Việt hoặc có nhưng không gạch chân- chú thích.
- Chưa biết cách tiếp cận tác phẩm theo đặc trưng thể loại một cách toàn diện.
- Đoạn văn nghị luận về tác phẩm truyện thường tóm tắt lại sự việc, giới thiệu nhân vật:
+ Chưa biết đưa yếu tố nghệ thuật vào phân tích.
+ Chưa mạnh dạn nêu cảm nhận riêng, cảm xúc riêng, suy nghĩ riêng…
+ Chưa biết nêu nhận định, đánh giá chung về nhân vật hoặc tác phẩm.
II. NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI TÌNH TRẠNG HS VIẾT ĐOẠN NLVH THƯỜNG HAY MẮC LỖI.
1. Giáo viên:
- Khâu đánh giá, chấm chữa của GV chưa triệt để: chưa chỉ ra lỗi cụ thể để HS nhận ra thiếu sót khi làm bài.
- Quá trình giảng dạy, GV hướng dẫn HS khai thác tác phẩm còn thiên về nội dung, chưa khai thác hết các giá trị nghệ thuật.
- Chưa khơi dậy hứng thú, sự yêu thích môn văn ở HS
2. Học sinh:
- Thái độ thờ ơ, xem thường môn Văn
- Lười học, lười chép, lười nghĩ, lười đọc…à Tiếp thu thụ động.
- Chưa nhận thức được đúng - sai của vấn đề.
- Chưa dám bộc lộ quan điểm, chính kiến, cảm xúc và đánh giá về vấn đề nghị luận.
- Cách tiếp cận tác phẩm truyện chưa toàn diện...
III.GIẢI PHÁP - HƯỚNG DẪN HỌC SINH SỬA LỖI
1. Mục đích:
- Hướng dẫn học sinh khai thác nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa tư tưởng của đơn vị kiến thức; tránh phân tích nhân vật, sự việc, chi tiết như tóm tắt, kể lại lần 2.
- Giúp HS đạt được điểm số tốt nhất, cao nhất.
- Giúp HS phát hiện lỗi và sửa lỗi, biết cách viết đoạn văn theo yêu cầu cơ bản nhất.
2. Nhận diện và xác định yêu cầu của đề.
a. Suy nghĩ, cảm nhận về nhân vật (một khía cạnh của nhân vật), sự việc, chi tiết.
Yêu cầu:
Đề nghiêng về cảm nhận chủ quan của người viết: Có thể chọn những gì mà mình thấy tâm đắc nhất,có ý nghĩa nhất, chi tiết nổi bật nhất không nhất thiết phải phân tích đầy đủ từng đặc điểm của nhân vật, nội dung- nghệ thuật của tác phẩm.
b. Phân tích đặc điểm nhân vật (một khía cạnh của nhân vật), sự việc, chi tiết.
Yêu cầu:
Người viết tìm hiểu, đánh giá và nhận xét đầy đủ từng đặc điểm của nhân vật, từng giá trị nội dung - nghệ thuật của đoạn trích (thuộc giới hạn và phạm vi của đề).
c. Phân tích để nêu ra nhận xét hoặc làm sáng tỏ một vấn đề, một nhận định.
Ví dụ: Hãy chứng minh nhận định sau: “Lòng yêu con đã khiến người chiến sĩ thành một nghệ nhân - nghệ nhân chỉ sáng tạo một tác phâm duy nhất trong cuộc đời”.
Yêu cầu:
Phân tích vấn đề
Trình bày cảm nhận, nêu ý kiến về nhận định
Gợi cảm xúc cho người đọc
Liên hệ, mở rộng.
Kết luận: Yêu cầu của đoạn văn NLVH
Bước 1: Xác định đúng vấn đề.
Bước 2: Tìm hệ thống các luận điểm, luận cứ phù hợp với giới hạn đề yêu cầu.
Bước 3: Khai thác các yếu tố nghệ thuật để làm sáng tỏ nội dung.
Bước 4: Đưa cảm xúc, nhận xét, đánh giá của người viết vào đoạn văn.
Bước 5: Đưa ra nhận định, đánh giá của nhà văn, nhà phê bình VH...về nhân vật, sự việc, chi tiết truyện.
Bước 6: Có liên hệ, so sánh, đối chiếu
3. Hướng dẫn HS sửa lỗi khi viết đoạn.
a. Dẫn dắt, khai thác yếu tố nghệ thuật khi phân tích cảm nhận về nhân vật, sự việc, chi tiết.
- Bằng giọng văn nhẹ nhàng, xúc động, tác giả đã khắc khọa rõ nét / thành công…….
- Qua việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, bất ngờ, chúng ta / người đọc dễ dàng nhận ra….
- Nghệ thuật kể chuyện đã góp phần tạo nên thành công của truyện cũng như đem đến cho ta…..
- Để khắc hoạ / miêu tả/ làm nổi bật……,nhà văn đã sử dụng/ dùng thủ pháp…..
- Sự kết hợp bút pháp tả thực và cảm hứng lãng mạn, tác giả đã gợi ra / đưa ta về với …..
- Việc sử dụng hàng loạt các câu đặc biệt / câu hỏi tu từ… góp phần diễn tả chiều sâu tâm lí nhân vật…..
- Việc đưa chất liệu văn hóa dân gian một cách khéo léo đã tạo nên dấu ấn đặc biệt cho ….
b. Dẫn dắt , hướng dẫn HS lồng ghép những đánh giá, nhận xét của mình vào bài viết.
- Nếu không phải là người am hiểu cuộc sống chiến trường thì……không thể….như vậy.
- Phải là người tinh tế, thấu hiểu tâm lí … như …..mới có thể xây dựng thành công chân dung / hình tượng nhân vật….đến thế.
- Tình yêu tha thiết, sự gắn bó sâu nặng với….của nhân vật….đã có ý nghĩa giáo dục/ đã cho ta một bài học thấm thía về…
- Bằng cách khai thác riêng, tác phẩm của….luôn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc về …
- Tác phẩm/ truyện ngắn của….mang phong cách nhẹ nhàng kín đáo, sâu sắc và thấm đẫm chất thơ của đời sống….
- Với cốt truyện khá đơn giản nhưng nhà văn….đã thành công trong việc khắc họa vẻ đẹp ……
- Thành công lớn nhất của truyện về mặt nghệ thuật chính là khả năng miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật…
c. Dẫn dắt , hướng dẫn HS bộc lộ cảm xúc của mình vào bài viết.
- Người đọc xúc động và thấm thía biết bao trước….
- Cảm động nhất là chi tiết….và hành động……
- Cuộc chia tay / đối thoại / trò chuyện giữa…..đã khiến ta nghẹn lòng…
- Truyện đã gieo vào lòng ta những rung cảm, ấn tượng mạnh mẽ về ….
- Chỉ lời nói và việc làm ấy của ….cũng đủ giúp ta thêm yêu đời, yêu cuộc sống…
- Vẻ đẹp của….khiến lòng ta còn mãi xao xuyến, vấn vương.
- Yêu lắm, trân trọng lắm những con người….
Bằng những kinh nghiệm qua nhiều năm giảng dạy và ôn thi vào 10, tôi mong muốn được đóng góp một số phương pháp, kĩ năng rèn luyện cho học sinh tránh mắc lỗi và tự tin hơn khi làm bài, viết đoạn văn nghị luận văn học về một tác phẩm truyện hoặc đoạn trích để các em đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới. Qua trang web của nhà trường, tôi muốn cha mẹ học sinh có thể tham khảo, giúp con chọn lựa thông tin hữu ích để việc ôn thi đạt hiệu quả cao hơn.
Chúc các em học sinh khối 9 tự tin, cố gắng và thành công trong kì thi sắp tới!