Một số kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi môn Giáo dục công dân.
Đảng và Nhà nước ta luôn xem việc chọn nhân tài, bồi dưỡng nhân tài là một phần quan trọng trong quốc sách phát triển con người, điều đó được thể hiện qua việc chỉ đạo dạy và học trong các nhà trường. Nghị quyết TW2 khoá VIII đã chỉ rõ: “Việc bồi dưỡng học sinh giỏi là nguồn nhân tài cho đất nước được các nhà trường đặc biệt quan tâm và mọi giáo viên đều có nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi”. Việc tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi và thi học sinh giỏi nhằm: “Động viên khích lệ những học sinh và giáo viên trong dạy và học, góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất luợng giáo dục, đồng thời phát hiện học sinh có năng khiếu để tiếp tục bồi dưỡng ở cấp học cao hơn, nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước” (Điều 1 - Quy chế thi chọn học sinh giỏi ban hành theo quyết định 3479/1997/QĐ- BGD&ĐT ngày 01/11/1997). Như vây, đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi là vấn đề cần thiết và cấp bách, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới hội nhập đất nước hiện nay. Bồi dưỡng học sinh giỏi ở bậc THCS là phát huy hết khả năng phát triển “tiềm tàng” của học sinh, là tạo nguồn học sinh giỏi cho các cấp học tiếp theo, thực hiện chiến lược “bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”.
Mặt khác, kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi là một tiêu chí không thể thiếu để đánh giá năng lực chuyên môn của giáo viên và sự phát triển của các nhà trường, mỗi học sinh giỏi không chỉ là niềm tự hào của cha mẹ, các thầy cô giáo mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng. Chính vì vậy những năm gần đây trường THCS Ngũ Hiệp đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi tất cả các môn ở khối 9 và một số môn ở các khối 6,7,8. Trong đó, môn GDCD cũng được chú trọng và đã đạt những kết quả đáng mừng. Cụ thể năm học 2019-2020, khối 9 có 6 em đi thi cấp Huyện, 5 em đạt giải; một em đi thi cấp Thành phố và đã đạt giải Nhì. Năm học 2020-2021 cũng có 6 em đi thi và 5 em đạt giải cấp Huyện. Đáng tự hào hơn là 2 em thi cấp Thành phố đều đạt giải và đạt giải rất cao. Một giải Nhất và một giải Ba cấp Thành phố. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu, sự phối hợp của giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh, sự cố gắng nỗ lực của các em học sinh. Về phía cá nhân tôi trong quá trình bồi dưỡng cho các em tôi cũng thu được một số kinh nghiệm. Tôi xin mạnh dạn chia sẻ cùng các thầy cô giáo, các bạn bè đồng nghiệp. Cụ thể như sau:
1. Kinh nghiệm về thành lập đội tuyển:
Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi người thầy đóng vai trò quan trọng nhưng học sinh là yếu tố quyết định sự thành công. Thông thường những em có tố chất thông minh, học lực khá - giỏi bao giờ cũng đăng ký vào đội tuyển các môn học theo khối như: Toán, Lý, Hoá, Văn, Ngoại ngữ… rồi cuối cùng mới đến GDCD. Đó cũng là điều dễ hiểu. Vậy làm thế nào để học sinh say mê, thích học môn GDCD? Điểm xuất phát phải bắt đầu từ người thầy. Thầy phải thực sự coi bộ môn mình dạy như cái nghiệp của mình để chuyên tâm gắn bó và sáng tạo không ngừng. Ngoài năng lực truyền thụ tri thức lí luận khoa học, thầy phải nhập vai là minh chứng sống động trong thực tiễn để học sinh thấy được sự thú vị cũng như ý nghĩa của bộ môn có tính định hướng và tính giáo dục cao. Niềm say mê ấy phải được bộc lộ qua từng bài giảng, trong từng câu chuyện đời thường và giải quyết những tình huống xảy ra trong thực tế cuộc sống.
Vì thế tôi nhận thấy, giáo viên dạy đội tuyển môn GDCD phải là người truyền được “lửa” cho học sinh. Tức là phải khơi dậy ở các em sự yêu thích môn học, niềm tin và lòng say mê để các em tự giác tham gia với động cơ đúng đắn và có quyết tâm thi đạt kết quả cao. Có thể nói, đây là khâu quan trọng nhất tác động đến tâm lý học sinh thực sự có hiệu quả vì nó quyết định việc các em sẽ học và thi như thế nào. Để làm được điều này, theo tôi giáo viên vừa đóng vai trò là người thầy đồng thời cũng là người bạn lớn của các em, để phân tích và chỉ ra cho các em thấy được những lợi thế khi tham gia đội tuyển học sinh giỏi. Đó chính là phương pháp học như thế nào để nhớ nhanh, nhớ kỹ và nhớ chính xác nhất. Điều này đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với kiến thức các môn xã hội. Ngoài ra, còn giúp các em kỹ năng xác định đề, phân tích đề, khả năng lập luận tư duy, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong các môn khoa học tự nhiên. Và điều quan trọng hơn đó là các em được trải nghiệm phương pháp học tập cũng như tâm lý khi bước vào kỳ thi, từ đó có sự điều chỉnh bổ sung phù hợp kịp thời. Có thể nói, đó chính là những bước đi ngắn giúp các em tiến đến các kỳ thi nói chung và kỳ thi HSG nói riêng.
Ngoài phương pháp truyền thống là cho học sinh tự đăng ký, qua từng tiết học, từng bài kiểm tra đánh giá, giáo viên cần phát hiện những học sinh có khả năng trình bày bài, khả năng vận dụng và giải quyết vấn đề, giải quyết tình huống, cách lập luận tốt và thông qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn giới thiệu để lựa chọn, động viên các em tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp trường tạo nguồn đội tuyển học sinh giỏi cấp Huyện. Từ nguồn học sinh như trên, sau khi thi học sinh giỏi cấp trường tôi tiến hành lựa chọn danh sách đội tuyển, theo thang điểm từ cao xuống thấp và lấy từ 7đến 10 em.
Ngoài ra, trong quá trình bồi dưỡng tôi còn tiếp tục thi khảo sát ít nhất ba lần để đánh giá chính xác khả năng của từng em. Từ đó có thể lấy bổ sung thêm hoặc loại bớt một số em không tiến bộ trong đội tuyển. Như vậy, để chọn đội tuyển một cách hiệu quả cần thực hiện tốt các bước sau đây:
Bước 1: Giúp học sinh hiểu, nhận thức đúng về vai trò của bộ môn và lợi thế khi tham gia đội tuyển.
Bước 2: Lập danh sách dự tuyển, động viên khích lệ học sinh tham gia dự thi.
Bước 3: Thi tuyển theo kế hoạch chung của nhà trường.
Với những phương pháp như trên tôi đã động viên được một số học sinh tham gia dự thi và chọn được những em có học lực giỏi ở các lớp 9. Khác với trước đây phải bắt buộc các em mới đi thi. Có thể nói, đó là niềm động viên rất lớn đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy môn GDCD trong điều kiện hiện nay.
2. Kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch, sử dụng phương pháp bồi dưỡng đội tuyển một cách khoa học, đúng hướng và có hiệu quả:
Để công tác bồi dưỡng học sinh giỏi có hiệu quả, trước hết giáo viên phải lập được kế hoạch tổng thể, có được “chương trình khung” và kế hoạch cho từng giai đoạn. Chẳng hạn, kế hoạch là 30 buổi dạy, thời gian dạy đầu năm học bắt đầu từ tháng 9. Mối tuần 1 buổi dạy thì giáo viên phải cụ thể hoá về thời gian, nội dung ôn luyện, từ đó giúp học sinh hiểu, định hình được những việc cần làm để các em chủ động hơn trong quá trình ôn tập kiến thức cũ và lĩnh hội tri thức mới. Đồng thời qua đó các em sẽ thấy được tầm quan trọng của việc nắm vững kiến thức trọng tâm trong mỗi bài, mỗi phần và toàn bộ nội dung chương trình ôn luyện. Hệ thống hoá kiến thức và mở rộng kiến thức trong các buổi dạy là điều rất quan trọng. Ôn tập đến đâu, kiểm tra đến đó. Khi ôn tập lý thuyết bao giờ cũng gắn với bài tập vận dụng bằng hình thức bài tập trắc nghiệm giải thích hoặc bài tập tình huống để học sinh làm quen với kỹ năng vận dụng lí luận vào thực tiễn đồng thời có thể lý giải hiện tượng xảy ra như trong đời sống xã hội.
Ví dụ: Ôn tập kiến thức lớp 8. Học kì I là kiến thức đạo đức và học kỳ II là kiến thức pháp luật, những kiến thức này gắn liền với thực tế cuộc sống của các em cho nên giáo viên cần phải đơn giản hoá, cụ thể hoá kiến thức thông qua các ví dụ thực tế để học sinh dễ hiểu. Mỗi chuẩn mực đạo đức, giáo viên lấy ngay những biểu hiện xảy ra trong lớp học, trong trường học và trong gia đình các em để học sinh dễ hiểu và nắm vững kiến thức trong các tiết học. Sau khi nắm vững kiến thức cơ bản, giáo viên chữa các dạng bài tập trong sách giáo khoa và đưa một số bài tập nâng cao vào trong các bài học để giúp học sinh biết vận dụng kiến thức cơ bản và đưa lí luận của bản thân giải quyết các bài tập.
Qua đó cho thấy, đối với học sinh giỏi các em vừa phải có cái nhìn cụ thể vừa có cái nhìn khái quát, tổng thể để giải quyết vấn đề đã học một cách sâu sắc nhất.
Bên cạnh đó giáo viên thường xuyên cập nhật các số liệu, thông tin mới để minh họa cho bài dạy. Tài liệu tham khảo cũng là yếu tố không thể thiếu trong quá trình bồi dưỡng: Tài liệu chuẩn kiến thức kỹ năng, Bài tập pháp luật, Tình huống pháp luật, các văn bản luật có liên quan như Hiến pháp 2013, Bộ luật dân sự, luật Hôn nhân gia đình, luật bình đẳng giới, luật khiếu nại tố cáo, đều có thể cung cấp cho học sinh những dẫn chứng chính xác khi vận dụng vào bài làm. Bồi dưỡng HSG phải có sự tích hợp kiến thức xuyên suốt từ lớp 6 đến 9. Đặc biệt là những bài có liên quan đến kiến thức của lớp 8, 9 như: Khi học bài 20: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giáo viên cần tích hợp với kiến thức của lớp 7, Bài 17: Tổ chức bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giúp học sinh nắm được cơ quan có quyền sửa đổi bổ sung hiến pháp và chức năng nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
3. Kinh nghiệm rèn luyện kỹ năng tự học, đọc tài liệu, khai thác kiến thức cho học sinh.
Để rèn luyện kỹ năng tự học, đọc tài liệu khai thác kiến thức ở từng bài trong SGK, giáo viên cần chỉ rõ cách khai thác từng nội dung cụ thể bằng phương pháp đi từ khái quát đến cụ thể và từ đó có sự liên hệ vận dụng trong cuộc sống, sau đó giao nhiệm vụ để các em tự học và kiểm tra bằng các bài viết.
Ví dụ: Ở Bài 1 SGK GDCD lớp 8: Tôn trọng lẽ phải. Để giúp học sinh nắm vững trọng tâm và khắc sâu kiến thức thông qua các ví dụ trong thực tế không chỉ giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ, nhớ lâu mà còn kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề bằng cách thay đổi dạng câu hỏi như: Em lựa chọn cách giải quyết nào trong trường hợp sau đây và giải thích vì sao? Thay cho câu hỏi: “Trình bày biểu hiện và ý nghĩa của tôn trọng lẽ phải?”
Hoặc kiến thức pháp luật. Bài 16. Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác để giúp học sinh nắm vững kiến thức về nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác và rèn kỹ năng cho học sinh với bài tập sau: Bài tập tình huống: B nhặt được một túi xách nhỏ trong đó có có tiền, một giấy chứng minh nhân dân và các giấy tờ khác. Do đánh mất tiền đóng học phí, B đã vứt giấy chứng minh nhân dân và các giấy tờ khác, chỉ giữ lại tiền. B hành động như vậy là đúng hay sai? Vì sao? Nếu em là B, em sẽ hành động như thế nào?
4. Coi trọng khâu ra đề, ra đáp án, chấm chữa và rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh:
* Ra đề và đáp án:
Để rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh, giáo viên cần hiểu đây là một công việc không dễ, đòi hỏi nhiều thời gian công sức của cả thầy và trò mới đem lại kết quả như mong muốn. Bởi đa số các em sau khi được chọn vào đội tuyển thì điểm yếu nhất đó chính là kỹ năng làm bài, một phần là do các em còn thiếu vốn sống và chưa biết cách lập luận. Vì thế giáo viên chỉ nói hoặc nhắc nhở thôi thì chưa hẳn các em đã hiểu và khắc phục được. Do đó cần phải có thời gian kiểm định qua các bài kiểm tra viết mới thấy được sự tiến bộ rõ rệt của từng em.
Để việc luyện tập có hiệu quả và học sinh không thấy chán, tôi đã chuẩn bị nguồn đề, như sau:
- Các đề thi học sinh giỏi huyện, thành phố các năm trước.
- Đề thi học sinh giỏi các tỉnh khác sưu tầm qua đồng nghiệp hoặc truy cập trên mạng.
- Đề tôi soạn cho các em từ các nguồn tư liệu và bám sát SGK, theo cấu trúc định lượng giữa phần tự luận và phần trắc nghiệm, bài tập tình huống, lượng kiến thức, số câu hỏi ở chương trình lớp 7,8, 9 một cách hợp lý.
- Muốn có nguồn tư liệu đó, trong nhiều năm qua tôi phải sưu tầm tài liệu, bảo quản có hệ thống các đề thi, các kiến thức mới trong mỗi đề thi và các nội dung khác mình thu thập được qua đồng nghiệp, qua các đợt tập huấn, đóng thành tập lưu trữ để tạo nguồn tư liệu cho bản thân.
Trong quá trình thực hiện tôi luôn chú ý cách ra đề sao cho có hiệu quả và gây được hứng thú cho học sinh. Mỗi đề thi đều phủ khắp kiến thức của chương trình đã học và có cấu trúc như một đề thi chính thức. Các bài tập tình huống và câu hỏi đảm bảo đủ 3 mức độ: Biết; hiểu và vận dụng. Trong quá trình thực hiện, cần hiểu tâm lý học sinh là nếu đề ra không hay thì học sinh sẽ không thích làm và chán. Vì vậy, giáo viên phải có đầu tư thực sự cho việc ra đề. Thực tế tôi đã cho các em làm rất nhiều đề thi. Để rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh cần thực hiện tốt 3 bước cơ bản sau:
- Bước 1: Yêu cầu học sinh phải xác định được dạng đề bài, đối tượng bài và yêu cầu của từng câu hỏi, kể cả các dạng câu hỏi ẩn thì học sinh phải biết phân tích đề để tránh lạc đề.
- Bước 2: Yêu cầu học sinh lập dàn ý sơ lược cho từng câu hỏi trong đề thi, tránh thiếu ý khi làm bài.
- Bước 3: Yêu cầu học sinh lập dàn ý chi tiết cho đề thi và hướng dẫn cách viết cho từng dạng câu hỏi, xây dựng bố cục toàn bài theo cách phổ biến nhất đó là phương pháp diễn dịch hoặc theo kết cấu Tổng - phân - hợp để bài làm sâu sắc và phong phú hơn.
*Chấm, chữa, sửa lỗi và rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh
Cách 1: Ngay sau khi làm bài kiểm tra, tôi yêu cầu các em về nhà phải làm được đề cương đáp án và hướng dẫn chấm chi tiết tới 0.25 điểm cho từng ý, từng câu, từ đó tự chấm xem bài của mình sẽ được mấy điểm. Điều này sẽ giúp các em cách xác định đáp án cũng như tiến trình trong bài kiểm tra để tránh lạc đề hoặc thiếu ý.
Cách 2: Trước khi trả bài kiểm tra, tôi phát đáp án chuẩn đã làm và phân công các em đóng vai trò là giáo viên để chấm bài cho bạn, tôi yêu cầu các em không trao đổi thảo luận để đảm bảo tính khách quan, mỗi bài sẽ đựợc 2 em chấm độc lập, có nhận xét chi tiết ưu, nhược điểm của từng bài. Qua đó, giúp các em tự rút kinh nghiệm cho mình, ngoài ra có thể so sánh bài làm, cách chấm của mình với các bạn. Cuối cùng tôi công bố điểm để các em tự đối chiếu.
Sau mỗi bài kiểm tra, kể cả các bài kiểm tra tại lớp từ 15 phút trở lên tôi đều rất chú trọng và quan tâm đến các em trong đội tuyển để chấm và sửa lỗi cẩn thận chi tiết cho các em, nhận xét vào bài của các em từ lỗi chính tả cho đến cách dùng từ, đặt câu, cách diễn đạt.
Để thúc đẩy các em làm bài tích cực, có hiệu quả và nộp bài đúng hạn, giáo viên phải giữ đúng hẹn giao đề, chấm bài, trả bài để các em biết kết quả và kịp thời rút kinh nghiệm. Nhưng nếu chỉ chấm chữa thôi thì chưa đủ vì bài làm của các em thường rất lủng củng, không biết cách diễn đạt, chuyển ý, viết dài dòng và lan man. Vì vậy, sau khi chấm chữa kỹ lưỡng, tôi đều phát đáp án chi tiết và yêu cầu các em sau khi xem bài rút kinh nghiệm những sai sót thì phải học thuộc đáp án. Khi trả bài tôi dành thời gian nhất định để nhận xét cụ thể ưu, nhược điểm của từng em. Có những em tôi đã phải chữa và gạch đỏ cả bài. Mục đích là rèn luyện cho các em cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, kết luận trong bài như thế nào. Và yêu cầu các em về nhà làm lại và khắc phục ngay nhược điểm đó, hôm sau tôi thu lại kiểm tra để thấy được sự tiến bộ của các em.
Nếu chấm trả, phát đáp án mà không kiểm tra lại thì các em sẽ chủ quan không học thuộc mà chỉ đọc qua. Cho nên, tôi đã kiểm tra lại bằng cách ra lại câu hỏi cũ xem các em có làm đúng như đáp án đã phát không? Những bài đầu tiên các em làm rất kém, điểm thấp, thậm chí còn sai kiến thức cơ bản và cao nhất chỉ đạt 10/20 điểm. Đến những bài sau, kỹ năng làm bài của các em tiến bộ rõ rệt, các em viết chắc kiến thức và biết cách trình bày, không còn lan man thiếu ý như trước.
Trong các buổi ôn luyện hàng tuần, ngoài hình thức kiểm tra viết, tôi còn tiến hành kiểm tra vấn đáp các em đối với mảng kiến thức cần phải thuộc nhớ, qua đó đánh giá thực lực của các em, đồng thời có thể giải đáp những thắc mắc mà các em đưa ra.
5. Kinh nghiệm phân loại học sinh trong quá trình bồi dưỡng
Đây là khâu khá quan trọng trong quá trình bồi dưỡng vì có phân loại được học sinh thì giáo viên mới có thể có phương pháp phù hợp với khả năng của từng em và các em mới có khả năng đạt được kết quả như mong muốn. Sau đó lập bảng theo dõi ghi chép cẩn thận vào sổ của mình để chỉ cho các em thấy được các em đã khắc phục nhược điểm ở những bài sau như thế nào. Qua việc lập bảng theo dõi, giáo viên sẽ rút ra được lỗi thường gặp phổ biến của các em để sau một thời gian nhất định sẽ kiểm tra lại để nắm được mức độ tiến bộ của từng em.
6. Tăng cường trao đổi, giao lưu, lắng nghe ý kiến phản hồi từ học sinh.
Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn tạo nhiều cơ hội cho học sinh được bày tỏ ý kiến và trao đổi thông tin với giáo viên để từ đó biết được các em đang cần gì, thiếu gì? Chẳng hạn, sau mỗi buổi học thỉnh thoảng tôi thường trao đổi với các em rất thân mật gần gũi với các câu hỏi thăm dò như: Theo các em phương pháp dạy của cô như thế được chưa, các em có hiểu không?...
Từ đó tạo cho các em tâm lý tin cậy, gần gũi mạnh dạn hơn để bày tỏ những vấn đề còn băn khoăn vướng mắc. Giáo viên có thể làm được điều này bằng cách:
- Khích lệ học sinh suy nghĩ và đặt câu hỏi.
- Lắng nghe và trả lời ý kiến của các em, biểu dương những ý kiến có tính chất đổi mới, sáng tạo.
- Kể những tấm gương tốt ở các đội tuyển năm trước cho các em nghe để học tập, noi theo và đọc một số bài kiểm tra mẫu của học sinh trong đội tuyển làm tốt các năm trước cho học sinh nghe để các em tham khảo.
7. Tranh thủ sự đồng thuận của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.
Trong thực tế có người cho rằng, bồi dưỡng học sinh giỏi là trách nhiệm của đồng chí giáo viên được nhà trường phân công. Điều đó chỉ đúng một phần nhất định. Vì để công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đạt hiệu quả cao phải có sự hỗ trợ đắc lực của các đồng chí giáo viên trong tổ chuyên môn, sự chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu, sự quan tâm đồng tình, động viên khích lệ của phụ huynh học sinh và các giáo viên trong trường tạo điều kiện giúp đỡ. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của trường THCS Ngũ Hiệp trong những năm gần đây liên tục đã có nhiều bước tiến, trước hết là có đường lối chỉ đạo đúng đắn của BGH nhà trường, sự quan tâm, tạo điều kiện thực sự cho giáo viên dạy đội tuyển. Trong các năm học gần đây, nhà trường đã tạo lập được quỹ hỗ trợ cho giáo viên dạy đội tuyển. Khác với trước đây, đội tuyển do một cá nhân phụ trách, nhưng hiện nay ngoài giáo viên bộ môn phụ trách còn có sự kết hợp của giáo viên chủ nhiệm cùng đôn đốc, nhắc nhở học sinh trong quá trình học. Giáo viên chủ nhiệm còn điện thoại về gia đình để trao đổi với phụ huynh quá trình học tập của con để gia đình phối hợp với nhà trường cùng đôn đốc, sát sao, kiểm tra việc học tập của các con ở nhà. Đến ngày chuẩn bị đi thi, nhà trường tổ chức gặp mặt các đội tuyển vừa để căn dặn vừa động viên giao nhiệm vụ cho các em. Đặc biệt trước ngày đi thi học sinh giỏi ở Huyện, BGH đã tổ chức khảo sát học sinh giỏi ở trường để giúp các em có thêm kinh nghiệm làm bài và củng cố lại kiến thức cho các em trước khi đi thi chính thức kỳ thi học sinh giỏi Huyện. BGH cũng tạo điều kiện cho các em trong đội tuyển học sinh giỏi có thể lên thư viện đọc thêm sách tham khảo vào buổi sáng và buổi chiều những lúc rảnh rỗi. Trong các buổi trao phần thưởng học sinh giỏi hàng năm, một thành phần không thể thiếu trong buổi lễ đó là các bậc phụ huynh trong đội tuyển. Tất cả những việc làm đó đều thể hiện rằng: Để có chất lượng học sinh giỏi thực sự vững bền trước hết cần có sự đồng tâm của tập thể sư phạm nhà trường, sự nỗ lực của thầy và trò, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Theo tôi: “Dạy học là một nghệ thuật”! Điều này càng đúng hơn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, bởi vì bồi dưỡng học sinh giỏi là một quá trình công phu, nhiều thử thách đối với cả thầy và trò. Cho nên, ngoài trình độ chuyên môn, kinh nghiệm uy tín thì giáo viên dạy GDCD phải thực sự nhiệt tình, tâm huyết trong giảng dạy để khơi dậy được ở học sinh sự yêu thích môn học và thắp lên niềm tin vững chắc cho các em đi đến thành công.
Tôi nhận thấy, bản thân giáo viên cần tích lũy được nhiều vốn sống và trải nghiệm trong cuộc sống thì khi dạy trên lớp giáo viên sẽ có nhiều cách truyền tải tri thức và liên hệ thực tế vào các bài học để học sinh có cách ứng xử đúng đắn và hứng thú học hơn. Trên đây là một số kinh nghiệm của tôi trong 4 năm được giao nhiệm vụ giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân nói chung và bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi nói riêng, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các bạn đồng nghiệp để việc bồi dưỡng học sinh Giỏi môn GDCD ngày càng có chất lượng hơn và đạt thành tích cao hơn. Xin trân trọng cảm ơn!
Tổ Văn - Sử - GDCD