ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI THEO CHỦ ĐỀ
1. Hòa bình
Hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh. Hòa bình là sống hòa hợp và không gây gổ với người khác. Nếu mọi người trên thế giới đều cảm thấy bình an trong lòng, thế giới này sẽ trở nên một thế giới hòa bình. Hòa bình bao hàm những suy nghĩ tích cực, cảm xúc trong sáng và những ước muốn tốt lành. Chúng ta đã thực sự sống trong thế giới hòa bình, bạn đã để tâm trí của mình thực sự điềm tĩnh và thư thái. Đâu đó vẫn tồn tại những xung đột không đáng có giữa những học sinh trong một lớp học, những trẻ em bị xâm hại, bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Trên thế giới vẫn còn chiến tranh, khủng bố bởi mâu thuẫn về quyền lợi. Trong bản thân con người vẫn thiếu sự bình yên bởi mâu thuẫn giữa khát vọng đam mê với năng lực thực tiễn. Thực chất hòa bình bắt đầu từ chính chúng ta. Để sống trong bình an, ta cần có tình thương yêu và sức mạnh nội tâm. Gia đình cần quan tâm đến con trẻ của mình, các công dân trong một nước cần đảm bảo những quyền lợi công bằng, các nước cần tăng cường sự hữu nghị, hợp tác trên cơ sở những mặt có lợi. Bản thân mỗi người cần tìm cho mình sự cân bằng trong cảm xúc, trong mục đích sống. Trong mọi tình huống hãy hóa giải những bất hòa để chắp cho hòa bình một đôi cánh.
2. Văn hóa hội nhập
Văn hóa được hình thành trong lịch sử lâu dài của một dân tộc, được đúc kết từ kinh nghiệm sống và lưu truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó máu thịt với con người tạo nên đặc thù của từng dân tộc. Dân tộc ta có những biểu hiện riêng tạo nên tinh thần ấy trong giao tiếp, ứng xử, đặc biệt là những nét văn hóa truyền thống nhân văn, nhân ái đã được đúc kết qua những thành ngữ, lời ca... như: “Lá lành đùm lá rách”, “Chị ngã em nâng”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”... tinh thần nòi giống còn được thể hiện qua những di sản văn hóa mà nhiều thế hệ đi trước để lại. Những giá trị truyền thống của dân tộc ta với nhiều loại hình văn hóa gần đây có nguy cơ đang dần bị mai một. Như vậy trước mọi thách thức và nguy cơ, song đến cuối cùng thì mọi giá trị đi qua, cái còn lại của mỗi dân tộc chính là bản sắc văn hóa. Bên trong cái mới, cái hiện đại vẫn có cái cũ cái truyền thống, dòng chảy tinh thần dân tộc vẫn âm thầm và xuyên suốt trong thế hệ đi trước và ngay cả thế hệ trẻ ngày nay. Giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc có lẽ đơn giản chỉ là mang theo trên hành trang mở ra cánh cửa thế giới vẻ đẹp tâm hồn, tinh thần của người Việt Nam. Tiếp cận cái mới phải đi đôi với quá trình bảo tồn và duy trì cái cũ, để hòa nhập mà không hòa tan.
3. Vô cảm
Vô cảm là một căn bệnh hiện không có trong danh sách của ngành y học, nhưng nó đã ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống con người. Vô là không, cảm là tình cảm, cảm xúc. Vô cảm là trạng thái con người không có tình cảm. Sống khép mình lại, thờ ơ lạnh nhạt với tất cả mọi việc xung quanh. Nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa có lúc nghĩ đến: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống mạnh mẽ” nhưng cuối cùng anh chọn tình thương bởi lẽ tình thương phân biệt giữa người và ác thú. Hay Giăng Van-giăng trong Những người khốn khổ của văn hào Pháp V. Huy-gô, cả đời chỉ tâm niệm một điều: “Trên đời này chỉ có một điều duy nhất ấy thôi, đó là thương yêu nhau”. Thế nhưng, mỗi phút, mỗi giờ vẫn có biết bao nhiêu con người chấp nhận sống mà không có tình yêu thương, thờ ơ với chính những người xung quanh mình. Đi đường gặp những người bị nạn, những kẻ vô cảm chẳng có phản ứng nào mà chỉ biết dửng dưng chứng kiến với thái độ “Thờ ơ con mắt lạnh. Nhìn chúng có hề chi!” (Tố Hữu). Vô cảm là căn bệnh của những người sẵn sàng quay lưng lại với những nỗi đau khổ, bất hạnh của đồng loại, sẵn sàng làm ngơ trước cái xấu, cái ác. Sống đôi khi đơn giản là học cách yêu thương. Hãy thử một lần trải lòng mình ra dù chỉ là chút ít ỏi. Bởi vì, khổ đau được san sẻ sẽ vơi đi một nửa, còn hạnh phúc được san sẻ sẽ nhân đôi. Hãy nuôi dưỡng lòng nhân ái, tình thương của mình cùng mọi người để đẩy lùi bệnh vô cảm. Và cũng bởi vì “Ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến nên hãy cho và nhận những gì bạn có trong ngày hôm nay”.
4. Lạc quan
Trong cuộc sống này, không ai luôn luôn gặp may mắn, cũng không ai hoàn toàn xui xẻo, quan trong là thái độ tiếp cận và suy nghĩ của bạn về vấn đó như thế nào và bạn tiếp nhận nó ra sao? Sức mạnh của sự lạc quan là bạn phải tạo cho mình suy nghĩ tích cực để vượt qua mọi khó khăn, biến nỗi buồn thành niềm vui. Lạc quan sẽ giúp bạn nỗ lực hết mình cho công việc, lúc ấy mọi người sẽ nhận ra và công nhận khả năng của bạn. Vượt qua rào cản tâm lí bạn sẽ là người chiến thắng. Không may là, không nhiều người trong chúng ta có thể nhìn thấy được mặt tích cực của vấn đề: Cốc nước đầy một nửa, mà hét lên đầy bi quan cốc nước đã vơi đi một nửa rồi! Quan điểm tồi tệ về mọi thứ không giúp bạn thay đổi cuộc đời mình mà nó còn kìm hãm sự phát triển của bạn, tệ hơn là nó nhấn chìm bạn trong biển bi quan và bất lực: Hai người cùng nhìn ra cửa sổ… Một người thấy vũng bùn, người thấy bầu trời đầy sao. Người xưa thường nói: “Khi đau chân chúng ta chỉ chú ý đến cái chân đau đó mà quên đi cái chân lành lặn còn lại”. Cũng giống như chúng ta chỉ nhìn thấy những điểm xấu, điểm chưa được từ những người xung quanh mà quên mất nhìn vào mặt tích cực, tốt đẹp của họ. Cho dù khó khăn đến mức nào, hãy luôn hướng về những điều tốt đẹp, như cách bạn nhìn cốc nước đầy một nửa: bạn sẽ làm cuộc sống của mình tươi đẹp hơn!
5. Gia đình
Trên đời này, chẳng ai có thể sống mà thiếu đi tình cảm gia đình. Gia đình không đơn giản là sự gắn kết giữa những người có cùng máu mủ, huyết thống và sống chung với nhau dưới một mái nhà. Gia đình còn là sợi dây kết nối những con người bằng sự gắn bó, yêu thương. Gia đình là sự hi sinh sẵn sàng cho đi của cha của mẹ. Gia đình là sự đùm bọc chở che mỗi khi vấp ngã là lời động viên khích lệ trước mọi cố gắng đường đời. Có thể nói gia đình chính là điểm tựa tinh thần vô cùng vững chãi, là nơi mà bất cứ khi nào chúng ta cũng có thể tìm thấy niềm tin, hi vọng và động lực vượt qua những khó khăn thử thách. Thiếu đi tình cảm ấy, trái tim ta sẽ dần bị bóp nghẹt bởi cảm giác cô đơn, lạc lõng và cứ mãi bơ vơ trên nẻo đường tìm kiếm hạnh phúc. Vậy nhưng, đâu phải ai cũng biết trân trọng tình cảm gia đình, cứ mải miết chạy theo tiền tài, danh vọng hay những mối quan hệ phù phiếm. Để rồi khi nhận ra xung quanh mình chẳng còn một chỗ dựa đã không còn cơ hội nào cho họ sửa chữa. Tránh đi những vết xe đổ ấy, ngay từ hôm nay, chúng ta cần dành tâm sức để giữ gìn tình cảm gia đình từ những hành động thường ngày. Một lời chào mỗi buổi sáng, một bữa cơm ấm áp đầy đủ thành viên, một bông hoa nhân ngày đặc biệt... những việc nhỏ ấy nhưng chắc chắn sẽ giúp tình cảm gia đình luôn luôn ấm áp.
6. Lòng yêu nước
Ôi! Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông.
(Sao chiến thắng, Chế Lan Viên)
Tình yêu đất nước, sẵn sàng hi sinh tuổi xuân từ lâu đã trở thành lí tưởng cho biết bao thế hệ người Việt. Cũng như trong bài Cuộc chia li màu đỏ ta lại bắt gặp một tình yêu “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”. Hai chữ Tổ quốc thiêng liêng, trang trọng được đánh đổi bằng biết bao sự hi sinh mất mát. Sự xa cách của tình yêu đôi lứa để nhường chỗ cho tình yêu lớn hơn. Bởi vì trong máu thịt của họ có một phần quê hương. Họ sẵn sàng bỏ lại tất cả, “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày. Gian nhà không mặc kệ gió lung lay” (Đồng chí, Chính Hữu). Sự chia li với họ chỉ là tạm thời, sự chia li đơn giản chỉ là xa cách về địa lí, không gian còn tình cảm thì luôn gắn bó, luôn gần bên, tình yêu vượt qua những thử thách của thời đại. Sự chia li tràn lệ trên khóe mắt “Những người vợ trẻ/ Mòn chân bên cối gạo canh khuya” (Nhớ, Hồng Nguyên) nhưng trong tâm hồn luôn chất chứa niềm tin, sự lạc quan về ngày trở về, ngày thống nhất. Bởi thế cuộc chia li không nhuốm màu ảm đạm của mất mát mà được nâng cánh bởi ước nguyện hòa bình. Và trong thời bình ngày hôm nay, chiến tranh đã tạm xa nhưng vẫn có những người chiến sĩ canh gác bầu trời, vùng biển Tổ quốc, vẫn còn những hình ảnh “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng” (Thơ tình người lính biển, Trần Đăng Khoa). Sự hi sinh đó là vô cùng lớn lao nhưng cũng là tất yếu là lí tưởng của thế hệ trẻ. Cho dù có như thế nào thì tuổi trẻ vẫn là linh hồn của Tổ quốc, không bao giờ nguôi ý chí sắt đá bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc thân thương.
7. Bình yên
Bình yên không chỉ là trạng thái của cảnh vật mà quan trọng là sự cân bằng trong tâm hồn. Biểu hiện của sự bình yên chính là trạng thái vô ưu vô lo, thoải mái trong tâm tưởng. Không nhất thiết cứ phải “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” (Nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm), sống ẩn dật như Nguyễn Trãi hay Nguyễn Bỉnh Khiêm... bình yên đơn giản chỉ là bữa cơm sum vầy cùng gia đình nhỏ, không chen lấn trên con đường đến nơi làm việc hay được thư thái lắng nghe một bản nhạc yêu thích. Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, những khoảng lặng như vậy đóng một vai trò quan trọng. Nó đem đến cho tâm ta sự tĩnh lặng, thoải mái, giảm thiểu đi những suy nghĩ tiêu cực đang đè nén não bộ, theo đó mà học tập hay làm việc cũng sẽ hiệu quả hơn... Nói cách khác là bạn tìm thấy được sự cân bằng giữa công việc và chăm lo cho bản thân, gia đình. Đúng như lời Phật đã dạy: “Hãy là hòn đảo cho chính mình và đừng xem ai khác là nơi nương cậy”. Do đó, muốn có được sự bình yên, tất cả là ở tự tâm ta. Cuộc sống cần những phút giây sống chậm lại để tâm hồn được trút bỏ những bề bộn, bon chen nhưng cũng không phải cứ sống cách biệt ở một thế giới tĩnh tại. Mỗi người cần biết ngưng nghỉ đúng lúc, linh hoạt từng thời điểm, chắc chắn bạn sẽ có được sự bình yên đích thực.
8. Đam mê
Cuộc đời sẽ trở nên mất đi ý nghĩa nếu chúng ta không tìm được đam mê đích thực của mình. Vậy đam mê là gì và tại sao nó lại quan trọng đến thế? Theo tôi, đó đơn giản là một việc nào đó có thể khiến bạn cảm thấy hứng thú, vui vẻ và sẵn sàng bỏ ra thời gian, công sức để thực hiện nó. Chẳng hạn, khi ai đó nhận ra mình hạnh phúc nhất khi nấu ăn và quyết định trở thành đầu bếp, hạnh phúc khi chơi một môn thể thao có thể rèn luyện hàng ngày để trở thành vận động viên chuyên nghiệp... mỗi người có một năng khiếu một thế mạnh nếu biết khai thác và theo đuổi thì sẽ có được thành công. Chắc hẳn ai cũng đã hơn một lần nghe về Bill Gates – nhà đồng sáng lập hãng công nghệ Microsoft. Nhưng nếu không dũng cảm từ bỏ giảng đường đại học và theo đuổi đam mê công nghệ của mình, liệu có bao nhiêu người sẽ biết về một luật sư Bill Gates? Vậy nên tất cả chúng ta cần nghiêm túc tìm kiếm và nỗ lực hết mình theo đuổi niềm đam mê thực sự. Nhưng đam mê cũng phải đi liền với năng lực bản thân và điều kiện gia đình xã hội mới có thể đưa bạn tới đích nhanh nhất. Bởi đúng như Nick Vujick từng chia sẻ: “Những ước mơ không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng niềm đam mê”.