1. Khái niệm phong cách sáng tác
- Phong cách văn học (hay phong cách nghệ thuật) nảy sinh do chính những nhu
cầu
của cuộc sống, bởi vì cuộc sống luôn đòi hỏi sự xuất hiện những nhân tố mới mẻ,
những
cái không lặp lại bao giờ; và nó cũng nảy sinh từ nhu cầu của quá trình sáng tạo
văn học, vì đó là một yếu tố quan trọng tạo nên tính hấp dẫn, sức sống của tác
phẩm.
- Phong cách là những nét riêng biệt, độc đáo của một tác giả trong quá trình
nhận thức và phản ánh cuộc sống, những nét độc đáo ấy thể hiện trong tất cả các
yếu tố nội dung và hình thức của từng tác phẩm cụ thể. Nói cách khác, phong
cách là sự thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ trong việc đưa đến cho độc giả một
cái nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật
mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo, vì thế Buy-phông viết: “Phong cách
chính là người”. Trong tác phẩm của sếch-xpia “mỗi một ưu điểm nhỏ nhất cũng in
dấu riêng, dấu ấn đó có thể lập tức nói với toàn thế giới rằng: Tôi là sếch-xpia”
(Lét-xinh).
- Phong cách văn học mang dấu ấn của dân tộc và thời đại:
+ Quá
trình văn học được đánh dấu bằng những nhà văn kiệt xuất với phong cách độc đáo
của họ. Quá trình văn học mang tính lịch sử cho nên phong cách cũng in đậm dấu ấn
dân tộc và thời đại. Văn hào Vôn-te nói: “cũng giống như từ gương mặt, ngôn ngữ,
hành động cụ thể có thể nhận ra quốc tịch của con người, thì cũng có thể từ
phong cách sáng tác nhận ra một số là người Ý, người Pháp, người Anh hay người
Tây Ban Nha một cách dễ dàng”.
+ Trong mỗi
thời đại nhất định, do cùng có những điều kiện và trình
độ phát triển chung của lịch sử, trong sáng tác của nhiều
khuynh hướng văn học khác
nhau có thể có những nét chung nào đó về tư duy nghệ thuật và kĩ thuật biểu hiện.
Dù mỗi người có một “gương mặt” riêng, nhưng các nhà văn cái diện mạo chung ấy
trong sáng tác của từng tác giả: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra
đời”.
2. Những biểu hiện của phong cách văn học
- Phong cách văn học biểu hiện trước hết ở cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất
khám phá, ở giọng điệu riêng biệt của tác giả. Ví dụ cái nhìn tài hoa, có khả
năng khám phá mọi đối tượng ở phương diện thẩm mĩ của Nguyễn Tuân. Qua cái nhìn
ấy, thiên nhiên hiện lên như công trình mĩ thuật của tạo hóa, con người hiện
lên với tư chất tài hoa, nghệ sĩ.
-
Sự sáng tạo các yếu tố thuộc nội
dung tác phẩm cũng in đậm dấu ấn riêng của tác
giả, từ việc lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, thể hiện hình ảnh, nhân vật cho
đến xác lập
tứ thơ, triển khai cốt truyện,... Thạch Lam hướng ngòi bút tới cuộc sống và tâm
hồn
những con người “nhỏ bé”, Vũ Trọng Phụng chú ý tới những góc khuất, những nơi
tăm
tối của xã hội trước Cách mạng. Ở sự vận động của tứ thơ về tình yêu, Sóng của Xuân
Quỳnh thật cồn cào, da diết, còn Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn lại dịu dàng,
nhẹ thoảng mà đằm sâu, lan toả mênh mang.
-
Hệ thống phương thức biểu hiện, các
thủ pháp kĩ thuật lưu lại đậm đặc cá tính sáng
tạo của tác giả, từ việc sử dụng ngôn ngữ, tổ chức kết cấu, định vị thể loại
cho đến cách
kể chuyện, miêu tả ngoại hình, bộc lộ nội tâm,... Câu văn Nguyễn Tuân rất linh
hoạt,
không theo một khuôn mẫu, chuẩn mực nhất định, đó thường là những câu văn dài,
xuôi
theo dòng chảy dào dạt của cảm xúc suy tư Kim Lân có lối khắc hoạ nhân vật giàu
chất
tạo hình. Nguyễn Khải rất sắc sảo khi để nhân vật độc thoại nội tâm hay đối thoại
nội
tâm v.v...
-
Phong cách văn học là cái thống nhất
trong sự đa dạng của sáng tác. Cái độc đáo,
vẻ riêng phải xuất hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại, có tính chất bền vững, nhất
quán.
Thống nhất từ cốt lõi, nhưng triển khai phải đa dạng, đổi mới. Nguyễn Trãi
trong Đại
cáo bình Ngô, Quân trung từ mệnh tật rất hào hùng,
đanh thép, sắc bén, nhưng trong
Quốc âm thi tập lại u hoài, trầm lắng, suy tư. Hồ Chí Minh trong truyện và kí
thì hiện
đại, nhưng thơ chữ Hán lại giàu sắc thái phương Đông cổ kính, thơ tiếng Việt đậm
cốt
cách dân gian.
-
Độc đáo một cách đa dạng, bền vững
mà luôn đổi mới, những phong cách còn phải
có phẩm chất thẩm mĩ, nghĩa là nó phải đem lại cho người đọc một sự hưởng thụ
mĩ
cảm dồi dào qua những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, hay, sinh động, hấp dẫn.
Chỉ khi
đó dấu ấn của phong cách trong quá trình văn học mới được ghi nhớ mãi mãi,
không thể
phai mờ, nói một cách hình ảnh như nhà thơ lê Đạt:
“Mỗi công dân đều
có một dạng vân tay
Mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn”
(Vân chữ)
LUYỆN ĐỀ
Đề số 1: Nhà phê bình Hoài Thanh viết: Thích một bài
thơ, theo tôi nghĩ, trước hết là thích một cách nhìn, một cách nghĩ, một cách
xúc cảm, một cách nói, nghĩa là trước hết là thích một con người.
(Tuyển tập Hoài Thanh,
tập II, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1982)
Anh (chị) suy nghĩ như
thế nào về ý kiến trên?
1. Giải thích
- Thích là trạng thái, sắc độ cảm xúc yêu mến, nghiêng về cảm
tính, khoái cảm.
- Thích một bài thơ có nghĩa là tác phẩm ấy phải có sức hấp dẫn
riêng. Có nhiều yếu tố để gợi ra đam mê nghệ thuật, trước hết là một cách nghĩ,
một cách xúc
cảm tức sức hấp dẫn về nội dung; một cách nói hay sức hấp dẫn từ
hệ thống các ph-ơng tiện biểu đạt. Tựu trung lại là thích một con ng-ời. Con
người ở đây không đơn thuần hay đồng nhất với con người ngoài đời mà đó là một
cá tính văn chương, một gương mặt nghệ thuật riêng.
- Chữ một điệp lên như một nốt nhấn, làm nổi bật tính duy nhất,
riêng có của tác phẩm nghệ thuật. Một con ng-ời thực chất là phong cách nghệ
thuật.
=> Ý kiến của Hoài Thanh khẳng định: thích một bài thơ trước
hết là thích một con người, thích phong cách của nhà thơ đó. Phong cách ấy phải
thể hiện ở cả hai phương diện nội dung và hình thức. Phong cách ấy phải độc đáo
(một cách), và chỉ khi đạt tới sự độc đáo về cả bốn phương diện (cách nhìn,
cách nghĩ, cách cảm, cách nói) thì mới có khả năng tạo nên khoái cảm thẩm mĩ
cho người đọc. Đồng thời ý kiến còn đề cập đến vấn đề tiếp nhận văn học (mối
quan hệ giữa người đọc và tác phẩm, tác giả),
2. Lí giải
a, Tại sao thích một bài thơ... trước hết là thích một con người,
một phong cách?
- Xuất phát từ yêu cầu của sáng tạo nghệ thuật nói chung và thơ
nói riêng: một bài thơ hay là bài thơ có cách nhìn, cách nghĩ, cách xúc cảm,
cách nói mới mẻ, độc đáo. (Có thể liên hệ đến ý kiến của Xuân Diệu, Nguyễn
Tuân, Nam Cao... để làm sáng tỏ điều này).
- Xuất phát từ đặc trưng của thơ ca: thơ là tiếng nói trữ tình.
Mỗi bài thơ phải thể hiện một cách chân thực vẻ đẹp tâm hồn, cá tính của chủ
thể sáng tạo. ý kiến của Hoài Thanh gần gũi với ý kiến của Buy-phông: ―Phong
cách chính là người‖.
b. Nhận định của Hoài Thanh nêu lên sự gặp gỡ tri âm giữa người
sáng tác và người tiếp nhận văn học:
- Đây là một nhận định đúng đắn, sâu sắc. Một bài thơ hay phải là
một giá trị độc đáo, một kết tinh của tình cảm thẩm mĩ. Một người yêu thích văn
chương phải là người có tâm hồn nhạy cảm, biết rung động, biết khám phá giá trị
độc đáo của tác phẩm, từ tác phẩm mà nhận ra phong cách của nhà văn.
- Ý kiến trên đây cho thấy nguyên tắc thẩm mĩ của Hoài Thanh: ―lấy
hồn tôi để hiểu hồn người‖. Hoài Thanh từng nói, với bài thơ hay ông thường
ngâm đi ngâm loại, thường ―triền miên‖ trong đó. Như vậy, người tiếp nhận phải
có khả năng nhập thân và đồng sáng tạo cao độ.
- Tuy nhiên, thích và đồng sáng tạo không có nghĩa là bình tán,
suy diễn tùy tiện, gượng ép mà phải trên cơ sở hiểu được bản chất, quy luật
sáng tạo nghệ thuật, hiểu được mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình
thức của tác phẩm văn học.
3. Đánh giá
- Qua nhận định của Hoài Thanh giúp bạn đọc thức nhận được điều
làm nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn của một thi phẩm có nhiều yếu tố như tính dân tộc,
tính nhân loại… nhưng điều tiên quyết vẫn là gương mặt nghệ thuật riêng, Mỗi
nhà thơ phải có một dạng ―vân chữ‖ không trộn lẫn.
- Gửi đến bài học sâu sắc cho người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ
thuật và bài học tiếp nhận cho bạn đọc thơ.
Đề số 2: Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi
lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập.
(Mác-xen Prút)
Anh/chị hiểu ý kiến trên
như thế nào? Hãy cảm nhận những thế giới khác do người nghệ sĩ tạo ra qua hệ
thống thi ảnh độc đáo trong “Tây Tiến” (Quang Dũng) và “Đàn ghi ta của Lor-ca”
(Thanh Thảo).
1. Giải thích: Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người
nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập
Đây
là cách nói hình ảnh của nhà văn Mác-xen Prút nhằm khẳng định bản lĩnh nghệ
thuật của nghệ sĩ “thứ thiệt”-những nghệ sĩ biết cách tạo nên sức sống mới mẻ và
lâu bền cho tác phẩm:
-
Một nghệ sĩ chân tài bao giờ cũng có cái nhìn riêng về thế giới và tạo lập được
những tác phẩm văn học độc đáo với những nhân tố mới mẻ, không lặp lại bao giờ.
-
Nghệ sĩ độc đáo xuất hiện đồng nghĩa với việc đưa đến cho độc giả một cái nhìn
mới mẻ về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm
dấu ấn cá nhân của người sáng tạo. Cụ thể, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ
đích thực đã tạo ra những tác phẩm văn học có giá trị với sự tổ chức độc đáo
bằng những mã nghệ thuật mới (về cách nhìn, kết cấu, lựa chọn đề tài, xác định
chủ đề, thể hiện hình ảnh, lựa chọn ngôn từ, giọng điệu, cho đến xác lập tứ
thơ…).
-
Cái độc đáo không trộn lẫn của nghệ sĩ chân tài còn thể hiện ở hiệu ứng thẩm mỹ
dồi dào mà tác phẩm mang lại làm người tiếp nhận ghi nhớ mãi mãi, không thể nào
quên.
2. Phân tích - chứng minh:
2.1. Giới
thiệu chung về 2 tác giả, tác phẩm
-
Tác giả
-
Tác phẩm
2.2. Tây
Tiến của Quang Dũng:
- Được tổ chức và sáng tạo qua hệ thống thi ảnh độc đáo:
+
Những thi ảnh tạo dựng không gian đặc trưng Tây Bắc với núi-sương-mây chơi vơi,
khuất lấp, heo hút mà «chủ âm» chiếm lĩnh không gian là tiếng thác gầm thét,
tiếng cọp trêu người.
+
Những thi ảnh đậm tính biểu tượng ấm nóng hơi người: súng ngửi trời, mưa xa
khơi, mùa em, hội đuốc hoa, hồn lau nẻo bến bờ, mắt trừng gửi mộng, dáng kiều
thơm,...
- Tạo ra những thế giới khác, khác hẳn thế giới thực tại và
ám ảnh người đọc:
+
Không gian thực với núi rừng heo hút, sơn lam chướng khí như thể mất dấu nhường
chỗ cho một vùng không gian nội cảm đậm chất Quang Dũng, phản chiếu dáng dấp
trượng phu của kẻ sĩ Hà Thành: Những chiến binh Tây Tiến vào tử ra sinh an
nhiên như thể đã quên mất cái chết, đang hành quân và đang âm thầm mơ tưởng…
+
Sự tổ chức kết nối các thi ảnh tạo nên sự giao cảm sâu sắc giữa con người và
không gian (những vùng không gian ấm áp hương người): có dáng kiều thơm tôi
thương mà em đâu có hay (chữ Quang Dũng) đi về trong mộng, có dáng đồng đội
bồng súng đội trời, có nàng sơn nữ e ấp ẩn sau man điệu, có bóng ai chèo độc
mộc chiều sương, có đôi mắt quắc oai hùng mà đa cảm,… Không gian thực là không
gian chiến tranh kiểu như hồn tử sĩ gió ù ù thổi... không tồn tại ở đây. Tất cả
đều biến thể qua nỗi nhớ cảnh, nhớ người của một người lính biên cương ngang
tàng và lịch lãm.
2.3. Đàn ghi
ta của Lor-ca của Thanh Thảo:
- Được tổ chức và sáng tạo qua hệ thống thi ảnh độc đáo:
+
Những thi ảnh tạo dựng không gian đặc trưng Tây Ban Nha với áo choàng đỏ gắt,
vầng trăng, yên ngựa, hoa Tử đinh hương (li-la li-la li-la)
+
Sự tổ chức kết nối các thi ảnh bằng kỹ thuật liên văn bản tạo ra sự đồng nhất
giữa thi ca và âm nhạc, hội họa và điêu khắc, tự sự và trữ tình, mỹ học Tây
phương và minh triết Đông phương để tôn vinh và thương tiếc một thiên tài đoản
mệnh: những tiếng đàn bọt nước/li-la li-la li-la…/áo choàng đỏ gắt/áo choàng bê
bết đỏ/tiếng ghi ta nâu/tiếng ghi ta lá xanh biết mấy/tiếng ghi ta tròn/tiếng
ghi ta ròng ròng máu chảy/chiếc ghi ta màu bạc/vầng trăng, yên ngựa/giọt nước
mắt vầng trăng,…
- Tạo ra những thế giới khác, khác hẳn thế giới thực tại và
ám ảnh người đọc:
+
Hệ thống thi ảnh mở ra một không gian văn hóa đặc trưng của xứ sở Tây ban cầm:
Khúc du ca đồng nội, đấu trường, hoa li-la (Tử đinh hương) tím ngát, kẻ lãng du
phiêu bồng…Thi ảnh “vầng trăng”, “yên ngựa” khi được cườm nhạc vào gợi liên
tưởng hình ảnh Ph.G.Lor-ca khoác cây đàn hát nghêu ngao, rong ruổi trên yên
ngựa truyền bá tiếng nói tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật.
+
Thủ pháp đồng nhất giữa hội họa và điêu khắc từ hệ thống thi ảnh áo choàng đỏ
gắt/áo choàng bê bết đỏ/tiếng ghi ta nâu/tiếng ghi ta lá xanh biết mấy/ tiếng
ghi ta tròn/tiếng ghi ta ròng ròng/máu chảy/chiếc ghi ta màu bạc thành một thứ
ngôn ngữ tượng trưng: đỏ gắt (sự thách thức), bê bết đỏ (màu máu-cái chết),
tiếng ghi ta nâu (màu đàn-sự hiện hữu mầu nhiệm), tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
(niềm hy vọng thiết tha), tiếng ghi ta tròn-ròng ròng máu chảy (cái chết-nỗi
đau).
+
Kỹ thuật liên văn bản tích hợp đa chiều tạo tiếng nói đa thanh:
++
Tự sự: Đó là câu chuyện bàn về cái chết oan khiên của Lor-ca qua những câu thơ
mang dáng dấp văn xuôi: Lor-ca bị điệu về bãi bắn/chàng đi như người mộng
du/không ai chôn cất tiếng đàn/đường chỉ tay đã đứt.
++
Trữ tình: Buộc người đọc “Ở không yên ổn ngồi không vững vàng” vì thao thức
khôn nguôi: Một Lor-ca đơn thương độc mã trên “đấu trường chính trị” trước thế
lực bạo tàn Frăngcô. Một thiên tài cô đơn đi lang thang về miền đơn độc trong
một nền nghệ thuật Tây Ban Nha già nua, lỗi thời. Một cái chết oan khốc thảm
đau. Một nỗi tiếc thương vô hạn, sự mất mát lớn lao khi tiễn biệt một thiên
tài.
++
Sự đồng nhất giữa tính tượng trưng của văn học phương Tây và sự minh triết
trong văn học phương Đông qua các thi ảnh (“vầng trăng”, “yên ngựa”: Với văn
học phương Tây là sự tượng trưng cho cái Đẹp và thú lãng du hải hồ. Nhưng với
Đông phương lại chứa đựng chiều sâu minh triết: Đó là cái Đẹp mang ý vị vĩnh
quyết với dự cảm biệt li nghìn trùng).
Là cả một thế giới nghệ thuật qua tâm thức
sáng tạo của Thanh Thảo: Sự thương tiếc cùng nỗi lo cho nền nghệ thuật Tây Ban
Nha thiếu vắng người dẫn đường và thiếu vắng bản lĩnh dám “đạp đổ thần tượng”
để mở ra những chân trời…
3. Đánh giá chung
-Nhận
định được dẫn đã khái quát được vai trò của nghệ sĩ đích thực qua cá tính sáng
tạo độc đáo của chính mình-qua một cách diễn đạt cô đọng, súc tích, ấn tượng.
-
Quang Dũng và Thanh Thảo đã sáng tạo được những hệ thống thi ảnh độc đáo, góp
phần làm nên sự thành công của tác phẩm.
-
Người tiếp nhận bằng sự đồng sáng tạo của mình đã thực sự đi vào những thế giới
khác qua bản lĩnh nghệ thuật của cá nhân nhà văn.
Đề số 3: Trong bài Truyện ngắn đầu tiên, K. Pauxtopxki cho rằng: Chỉ có
người nào nói được với mọi người những điều mới mẻ, có ý nghĩa và thú vị, nhìn
thấy những gì mà người khác không nhận ra, người đó mới có thể là nhà văn.
(“Bông hồng vàng và bình minh mưa”, NXB văn học, 1999, tr.56)
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm
sáng tỏ qua một tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn 11.
1. Giải thích
- Những điều mới mẻ,
có ý nghĩa và thú vị là vấn đề tư tưởng đọc đáo, sâu sắc, có giá trị nhân sinh
lớn lao,…được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật độc đáo.
- Nhìn thấy những gì
mà người khác không nhận ra là cái nhìn cuộc sống mang tính khám phá và phát hiện
của nhà văn.
=> Ý kiến của
Pauxtopxki là một định nghĩa về nhà văn với phong cách nghệ thuật độc đáo.
2. Lí giải
Nhà văn cần phải có phong cách nghệ
thuật độc đáo là bởi vì:
- Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc
đáo. Vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét
gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm. Nhà văn phải là những người
biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì
chưa có (Nam Cao).
- Văn học lấy chất liệu từ cuộc sống.
Hiện thực cuộc sống luôn là mảnh đất màu mỡ để nhà văn không ngừng sáng tạo.
Nhưng cuộc sống dẫu đa dạng, phong phú vẫn có giới hạn. Vì vậy, có khi viết về
một đề đề tài cũ nhưng nhà văn phải có cái nhìn khám phá những điều mới mẻ, thú
vị mà người đọc không nhận ra. Có như vậy tác phẩm mới có giá trị và khơi gợi
được hứng thú ở người đọc.
- Hơn nữa, phong cách nghệ thuật là
yếu tố góp phần tạo nên sự phát triển đa dạng, phong phú cho văn học; là một
tiêu chí để đánh giá chính xác vai trò cũng như vị trí của nhà văn trên văn
đàn. Bởi chỉ những nhà văn thực thụ, có tài năng và tâm huyết mới tạo nên cho
mình những phong cách nghệ thuật độc đáo. Phong cách nghệ thuật của nhà văn
được biểu hiện qua tác phẩm cả về nội dung lẫn hình thức. Tác phẩm ấy bao giờ
cũng thể hiện cách nhìn nhận, khám phá đầy mới lạ, độc đáo về cuộc sống; hướng
đến những nội dung, chủ đề mới; mang một giọng điệu riêng và có những sáng tạo
nghệ thuật độc đáo,..
3. Phân tích, chứng minh: Thí sinh có thể lựa chọn phân tích
một tác phẩm bất kỳ trong chương trình Ngữ văn 11; song trong quá trình phân
tích, bình giá cần chú ý những điểm sau để làm sáng rõ vấn đề đặt ra trong đề
bài:
- Quá tác phẩm ấy, tác giả đã mang đến
những cái nhìn, phát hiện mới mẻ gì về hiện thực cuộc sống?
- Tác phẩm ấy đã gửi gắm đến bạn đọc
những tư tưởng gì mới mẻ, sâu sắc?
- Tác giả đã chuyển tải bức thông điệp
của mình bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo như thế nào?
- Từ đó đánh giá về tác phẩm và khái
quát phong cách nghệ thuật của tác giả.
4. Đánh giá, mở rộng, nâng cao
- Đây là ý kiến đúng đắn, giúp ta thấy
được tầm quan trọng của cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật của nhà văn
trong quá trình sáng tác.
- Nhận định đã đặt ra yêu cầu đối với
người sáng tác và người tiếp nhận:
+ Với người sáng tác: Phải sống sâu
sắc, có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, trí tưởng tượng phong phú và có tài năng
nghệ thuật độc đáo.
+ Với người tiếp nhận: Phải biết trân
trọng những đóng góp mới mẻ, giá trị của nhà văn qua tác phẩm.
Đề số 4: Người nghệ sĩ đích thực, người nghệ sĩ có tài năng bao giờ cũng
mang đến cho đời một cái gì mới, một cái gì riêng biệt chưa từng có. Chính cái
mới, cái riêng biệt đó làm cho cuộc sống hiện lên luôn luôn phong phú, lạ lùng,
hấp dẫn.
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học
của mình, anh/chị hãy làm sáng tỏ.
1. Giải thích nhận định:
- Người nghệ sĩ đích thực, người nghệ sĩ tài năng: Chỉ những người có
năng lực xuất sắc, có khả năng sáng tạo nên những tác phẩm văn học có giá trị.
- Cái mới, cái riêng biệt:
cái được làm ra mà chưa từng có, khác hẳn với những gì trước đó.
- Cuộc sống hiện lên luôn luôn phong phú, lạ lùng, hấp dẫn: Cuộc sống được kiến
tạo trong tác phẩm bằng những hình ảnh và màu sắc riêng. Thế giới trong tác
phẩm của nhà văn là thế giới độc đáo, mang đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ
sĩ.
- Ý kiến đề cập đến vấn đề phong cách
văn học. Người nghệ sĩ tài năng là người có phong cách nghệ thuật độc đáo, có
khả năng sáng tạo nên một thế giới mới trong tác phẩm của mình. Đó là tài nghệ
của người nghệ sĩ trong việc đem đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc
sống.
2. Lí giải
2.1. Vì sao người nghệ
sĩ đích thực, người nghệ sĩ tài năng bao giờ cũng mang đến cho đời một cái gì
mới, một cái gì riêng biệt chưa từng có:
- Xuất phát từ chính nhu cầu của cuộc
sống, cuộc sống luôn đòi hỏi sự xuất hiện của những nhân tố mới mẻ, những cái
không lặp lại.
- Xuất phát từ đặc trưng của quá trình
sáng tạo văn học. Sự phát triển của văn học xét đến cùng là sự sáng tạo, chỉ có
sáng tạo mới tạo nên sức sống cho tác phẩm. Mỗi tác phẩm ra đời là một khám phá
về nội dung, một phát minh về hình thức nghệ thuật.
- Xuất phát từ đặc trưng lao động nghệ
thuật của người nghệ sĩ là lao động cá thể. Đồng thời, người nghệ sĩ là người
có những tố chất đặc biệt có khả năng sáng tạo nên cái mới.
2.2. Cái mới, cái
riêng biệt chưa từng có được biểu hiện như thế nào trong sáng tác của những
người nghệ sĩ tài năng:
- Đó là cách nhìn, cách cảm thụ có
tính chất khám phá đối với cuộc đời. Cái nhìn thể hiện quan điểm độc đáo về con
người, về thế giới. Phong cách của nhà văn được phân biệt đầu tiên ở cách nhìn,
cách cảm thụ con người và đời sống.
- Cái mới của nhà văn thể hiện ở giọng
điệu riêng gắn với cảm hứng sáng tác. Giọng điệu là thái độ, là lập trường của
nhà văn được thể hiện qua phương thức nghệ thuật.
- Cái mới của nhà văn thể hiện ở cách
lựa chọn, xây dựng, xử lý đề tài, chủ đề.
- Đó là cái mới biểu hiện ở tính thống
nhất, ổn định trong cách sử dụng các phương thức, phương tiện nghệ thuật, từ
việc tổ chức kết cấu, định vị thể loại, sử dụng ngôn ngữ...cho đến cách kể
chuyện, miêu tả ngoại hình, bộc lộ nội tâm...
- Các biểu hiện nói trên không tồn tại
tách rời mà bao hàm lẫn nhau, tồn tại thông qua nhau đem lại cho tác phẩm văn
học tính chỉnh thể toàn vẹn.
2.3. Cái mới, cái
riêng biệt đã làm cho cuộc sống trong tác phẩm hiện lên phong phú, lạ lùng, hấp
dẫn như thế nào:
- Đứng trước hiện thực cuộc sống, mỗi
người nghệ sĩ có cách suy ngẫm, lý giải khác nhau, cách lựa chọn những mảng đề
tài khác nhau để đặt ra những vấn đề khác nhau. Nhờ đó, cuộc sống hiện lên trong
tác phẩm của nhà văn là thế giới riêng, độc đáo, được kiến tạo bằng hình ảnh,
màu sắc, phong phú, đa đạng, mang đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ.
- Cuộc sống hiện lên phong phú, lạ
lùng, hấp dẫn còn được biểu hiện ở chỗ cùng viết về một đề tài nhưng mỗi nhà
văn tài năng lại có những cách nhìn, cách khám phá riêng khiến cuộc sống hiện
lên như lần đầu được khám phá.
2.4. Làm thế nào để
người nghệ sĩ mang đến cho đời những cái mới mẻ, riêng biệt
- Người nghệ sĩ cần giàu trải nghiệm,
giàu vốn sống, hiểu người và hiểu đời.
- Người nghệ sĩ phải có cái tâm, có
tình yêu sâu nặng đối với con người và cuộc đời, chính tình đời sâu nặng tạo
nên chiều sâu nhân văn trong sáng tác của người nghệ sĩ.
- Người nghệ sĩ phải có bản lĩnh, cá
tính sáng tạo mới có thể phát hiện cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, mang đến cho
người đọc bài học trông nhìn và thưởng thức.
3. Phân tích, chứng minh
- Cái mới trong tác phẩm là gì? (Bao
gồm cái nhìn, nội dung và nghệ thuật)
- Cái mới đã làm cuộc sống hiện lên
phong phú lạ lùng như thế nào?
4. Bình luận
- Ý kiến đúng đắn khẳng định vai trò
của hướng đi riêng trong khám phá sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn phải tự làm mới
mình, quan trọng nhất là đổi mới cách nhìn trước cuộc đời. Tuy nhiên, không
phải sự độc đáo nào cũng có giá trị tạo nên phong cách của nhà văn. Mọi sự đổi
mới đều không vượt ra ngoài qui luật chân-thiện-mĩ, những vấn đề mang tính nhân
bản của con người.
- Người nghệ sĩ sáng tạo nên cái mới
nhưng đồng thời cũng phải kế thừa, phát huy tinh hoa của truyền thống.
- Nhận định này không chỉ đúng cho
sáng tạo nghệ thuật của nhà văn mà còn là một trong những tiêu chí đánh giá một
trào lưu, khuynh hướng văn học, thời kỳ văn học và một nền văn học.
- Khẳng định các tác giả là những nghệ
sĩ đích thực
- Ý kiến đặt ra bài
học cho người sáng tạo và tiếp nhận văn học: Người sáng tạo phải coi việc tạo nên
dấu ấn riêng, định hình phong cách là sự sống; người đọc khi đến với tác phẩm
văn học phải không ngừng nâng cao tầm đón nhận để cảm nhận vẻ đẹp độc đáo trong
sáng tạo nghệ thuật.
Đề số 5: Nhà văn I.X Tuốc- ghê- nhép cho rằng: Cái quan trọng trong tài
năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình
không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác.
Anh/chị hãy phân tích một số bài thơ tiêu biểu
của Xuân Diệu để làm rõ phong cách nghệ thuật độc đáo của ông.
1. Giải thích ý kiến
- Tài năng văn học: Khả năng văn học, sự giỏi giang, điêu luyện của
người nghệ sĩ ngôn từ trong sáng tạo nghệ thuật. Tài năng văn học còn là cách
nói hoán dụ để chỉ những nhà văn nhà thơ có tài.
- Nói: Là thể hiện thành lời một nội dung nào đó, giọng : Là cách phát âm,
cách nói. Tiếng nói của mình, cái giọng riêng biệt của chính mình : Là cách
diễn đạt, cách thể hiện độc đáo của một cá nhân về vấn đề nào đó.
- Không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác: Duy nhất, không thể
có người thứ hai giống mình.
=> Nhận định là
cách nói hình ảnh có tính chất đúc kết về cái quan trọng của những tài năng văn
học lớn. Đó là: Một nghệ sĩ có tài phải là người có phong cách riêng độc đáo,
không lẫn với bất cứ ai, không giống với bất cứ người nào.
2. Lí giải
- Phong cách nghệ thuật của nghệ sĩ là một cái gì đó bền vững, xuyên
suốt, lặp đi lặp lại trong các sáng tác trên cả hai phương diện nội dung và
hình thức nghệ thuật. Nói cách khác phong cách là biểu hiện tài nghệ của người
nghệ sĩ ngôn từ trong việc đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ chưa từng có về cuộc đời thông qua những
phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân người sáng tạo.
- Phong cách nghệ thuật biểu hiện ở cái nhìn có tính chất khám phá, ở
giọng điệu riêng biệt, ở hệ thống hình tượng, ở các phương diện nghệ thuật…
- Điều quan trọng trong tài năng của
người nghệ sĩ là cái riêng biệt, độc đáo mà không ai có thể bắt chước, làm
theo. Đây vừa là yêu cầu, vừa là tiêu chuẩn để đánh giá vị trí của nghệ sĩ ấy
trên văn đàn. Cái riêng ấy sẽ giúp họ ghi được dấu ấn trên nền văn học, được
người đọc yêu mến, tôn vinh.
3. Phân tích, chứng minh: Phân tích một số bài thơ tiêu biểu
của Xuân Diệu để làm rõ phong cách nghệ thuật độc đáo của ông.
* Thơ Xuân Diệu thể hiện đầy đủ nhất cho ý thức cá nhân của cái
tôi thơ mới nhưng đồng thời cũng mang đậm bản sắc riêng của cái tôi trong thơ
Xuân Diệu.
- Đó là cái tôi tích cực, mãnh liệt,
lúc nào cũng thèm yêu, khát sống, khát khao tận hưởng, cống hiến ngay trên
thiên đường trần thế này. Cái tôi mang giọng điệu vồ vập, vội vàng, cuống
quýt...Dù khi vui hay khi buồn đều nồng nàn, tha thiết.
- Cái nhìn của Xuân Diệu là cái nhìn tình tứ
nên thiên nhiên luôn hiện ra với vẻ đẹp xuân tình.
- Thơ Xuân Diệu tiêu biểu cho tinh
thần lãng mạn. Mỗi tiếng thơ như một cơn lũ cảm xúc tuôn chảy, câu nọ gọi câu
kia, hình ảnh này gọi hình ảnh kia trong một hơi thơ dồi dào, lôi cuốn.
- Mỗi thi phẩm của Xuân Diệu đều có
một cấu tứ khá chặt chẽ, không chỉ phơi trải tình cảm một cách đơn thuần, thi
sĩ còn đưa ra những quan niệm, những triết lí về tình yêu, tuổi trẻ, hạnh phúc,
thời gian…
- Xuân Diệu có những nỗ lực, có những
cách tân thơ tiếng Việt bằng sự bền bỉ học hỏi và vận dụng cấu trúc thơ phương
Tây, sáng tạo những điệu nói, những cách nói mới, phát huy được triệt để các
giác quan trong cảm nhận.
Lưu ý: Học sinh chọn
các bài thơ tiêu biểu như Vội vàng, Thơ duyên, Đây mùa thu tới… để minh họa cho
từng đặc điểm trên của phong cách thơ Xuân Diệu.
3. Bình luận
- Phong cách độc đáo chính là yếu tố
quyết định tài năng và sức sống của tác phẩm.
- Xuân Diệu đã khẳng định được vị trí
của mình trên văn đàn bởi giọng điệu riêng biệt của chính mình mà không thể tìm
thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác.