MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TOÀN DIỆN
CHO HỌC SINH TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN LỚP 6
Dạy học tích hợp và khai thác văn bản dựa vào đặc trưng thể loại là phương pháp đồng thời là nguyên tắc của bộ môn Ngữ văn ở chương trình THCS. Là một giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn ở trường THCS, tôi thấy tính ưu việt của phương pháp này hơn hẳn những phương pháp trước đây được vận dụng. Tính ưu việt của phương pháp thể hiện rõ qua thái độ, niềm say mê, kết quả tiếp nhận của học sinh trong từng bài học. Người học không chỉ được chiếm lĩnh kiến thức, có kĩ năng đọc-hiểu văn bản thuộc các thể loại văn học mà các em thường đọc từ sách báo hàng ngày mà còn có khả năng tạo lập văn bản, hiểu thêm kiến thức về cuộc sống.
Với vấn đề đặt ra như trên, tôi mạnh dạn chọn đề tài: “Phát triển năng lực toàn diện cho học sinh trong chương trình Ngữ văn 6” để giảng dạy hy vọng sẽ góp phần cùng thầy cô và bạn bè đồng nghiệp từng bước nâng dần chất lượng giờ học Ngữ văn 6 trong nhà trường.Trong quá trình giảng dạy, tôi đã thưc hiện một số biện pháp cụ thể sau:
1. Ứng dụng công nghệ thông tin:
Trong những năm gần đây, ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học không còn là một vấn đề mới mẻ. Chúng ta đều thấy rõ và khẳng định CNTT đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ công tác giảng dạy. Việc ứng dụng CNTT là để hỗ trợ cho việc dạy học đồng thời tiết kiệm thời gian và tạo cho các em hứng thú học tập. Bên cạnh đó còn có các video bài hát và tranh ảnh minh họa thêm để bổ trợ, làm phong phú cho tiết học. Đây cũng là thể hiện tính tích hợp các môn học trong cùng một chủ đề tích hợp liên môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Mỹ thuật, Âm nhạc….
Chính vì vậy, là một giáo viên trẻ, tôi luôn tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng CNTT trong quá trình giảng dạy. Song dù có sử dụng phương pháp truyền thống hay hiện đại thì cũng cần có sự lựa chọn, có sự tính toán cẩn thận không sử dụng tràn lan, hình thức, lấy lệ hay chỉ dùng để minh họa. Như thế sẽ gây được hứng thú tránh nhàm trán hoặc chệch hướng trong giảng dạy bộ môn Ngữ văn.
2. Tích hợp với môn Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, An ninh quốc phòng
Thực tế cho thấy, áp dụng hình thức tích hợp liên môn học sinh tỏ ra rất hào hứng với nội dung bài học, vốn kiến thức tổng hợp của học sinh được bổ sung nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng rất hiệu quả. Mặt khác, các kiến thức liên ngành thông qua hình thức tích hợp này còn giúp học sinh có thêm căn cứ, cơ sở để hiểu rõ hơn nội dung, ý nghĩa của văn bản. Học Ngữ văn tích hợp nhiều nhất với môn Lịch sử. Vì Lịch sử là những gì đã xảy ra trong quá khứ, từ rất xa xưa như Khổng Tử đã từng nói “Ôn cố tri tân” biết được Lịch sử ta sẽ có cách nhìn nhận, hiểu về hào hùng của dân tộc, về cuộc đấu tranh anh dũng, về công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông ta từ ngàn xưa. Vậy nên, Lịch sử cần phải được tiếp nhận một cách đúng đắn, được lưu giữ và phải được “nhớ”. Nhớ để học hỏi, để biết ơn những anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Và chính văn học đã luôn theo sát những biến động, thăng trầm của xã hội.
3.Tích hợp với bảo vệ môi trường.
Hiện nay như chúng ta đã biết, môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng gây mất cân bằng sinh thái, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Giáo dục bảo vệ môi trường là một vấn đề cấp bách và là vấn đề có tính khoa học, tính xã hội sâu sắc. Đặc biệt là vấn đề này rất cần thiết cho các em học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước. Chính vì vậy, trong quá trình giảng dạy môn Ngữ văn tôi cũng đã tích hợp với việc giáo dục các em học sinh bảo vệ môi trường ở chính nơi các em học tập và sinh hoạt.
4. Tích hợp với giáo dục kỹ năng sống văn minh, thanh lịch.
Vấn đề tích hợp kỹ năng sống vào bộ môn Ngữ văn không phải là điều mới mẻ, giáo viên đã và đang đứng lớp cũng đã thực hiện nhưng chỉ theo cảm tính, chưa đi sâu vào nội dung giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Nhưng trong thời gian gần đây, xác định được mục tiêu giáo dục cũng như Bộ giáo dục và Đào tạo cũng đã phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nên vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được quan tâm hơn nhiều vì lứa tuổi học sinh là lứa tuổi đang hình thành những giá trị nhân cách, giàu ước mơ, ham hiểu biết sâu sắc về xã hội, còn thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo, kích động. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường hiện nay. Nếu không được giáo dục kỹ năng sống, nếu thiếu kỹ năng sống, các em sẽ bị lôi kéo vào các hành vi tiêu cực, bạo lực và lối sống ích kỉ, lai căng, thực dụng, dễ bị phát triển lệch lạc về nhân cách. Chính vì vậy, trong quá trình giảng dạy tôi luôn hướng các em tới những điều tốt đẹp và giáo dục nhân cách, giáo dục truyền thống dân tộc về tình bạn, tình yêu và gia đình…
Tôi bắt tay vào dạy theo hướng vận dụng kiến thức liên môn để phát triển năng lực toàn diện cho học sinh . Qua việc áp dụng phương pháp dạy tích hợp liên môn giúp cho học sinh khắc sâu kiến thức dễ dàng, nhớ được bài học đồng thời có điều kiện ôn lại kiến thức Lịch sử, hiểu biết Địa lý, về những hiểu biết xã hội. Đặc biệt một số em vốn nhút nhát, ngại thể hiện những hiểu biết của mình thì đã có dịp thể hiện tài năng, suy nghĩ, năng lực quan sát, tưởng tượng của mình qua những bức tranh rất sinh động .
Phương pháp dạy học theo hướng tích hợp liên môn trong chương trình Ngữ văn sẽ vừa phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, vừa tạo tâm lí thoải mái cho cả người dạy lẫn người học; tránh sự nhàm chán, lười biếng, thụ động. Điều đó, sẽ góp phần nâng cao chất lượng môn học, tăng hứng thú học tập cho học sinh.
Công việc “trồng người” là một nghề rất khó khăn và gian khổ. Vì vậy đòi hỏi bản thân tôi cũng như các bạn đồng nghiệp cần phải cố gắng nghiên cứu, tìm tòi nhằm rút ra phương pháp dạy học có hiệu quả nhất. Mỗi giờ học mà để lại được dư vị ngân vang trong lòng các em thì tôi tin rằng giờ dạy sẽ thành công.