HƯỚNG DẪN HỌC SINH LỚP 6 TỰ HỌC MÔN LỊCH SỬ QUA KHAI THÁC KÊNH HÌNH
Khi học sinh mới bước vào cấp II còn lạ lẫm với thầy cô mới, phương pháp học tập mới. Các em không còn được học tất cả bộ môn bởi một thầy cô mà thay vào đó là mỗi thầy cô phụ trách một bộ môn nhất định . Mỗi thầy cô có cách giảng dạy riêng, mỗi bộ môn có đặc thù riêng . Vì vậy các em chưa thích ứng ngay được, để giúp các em có thể nhanh chóng hòa nhập, phát huy tốt nhất khả năng của các em đối với môn lịch sử
Những kênh hình có sẵn trong sách giáo khoa dưới dạng nêu vấn đề để học sinh suy nghĩ, giảm tải được 25% số lượng kênh chữ. Theo số liệu khoa học của UNESCO: “Khi nghe, học sinh chỉ nhớ 15% thông tin, khi nhìn không ai nói gì học sinh chỉ nhớ 25%, khi nghe và nhìn học sinh sẽ nhớ 65% thông tin”. Nếu biết huy động sự tham gia của nhiều giác quan, sẽ kết hợp chặt chẽ được hai hệ thống tín hiệu với nhau, tai nghe mắt thấy tạo điều kiện cho học sinh dễ hiểu, nhớ lâu, gây được những mối liên hệ thần kinh tạm thời khá phong phú, phát triển ở học sinh năng lực chú ý, quan sát, hứng thú . Kênh hình không chỉ minh họa, đặt cơ sở cho việc tạo biểu tượng lịch sử mà là nguồn cung cấp kiến thức cho học sinh. Bên cạnh đó một số bài viết trong sách giáo khoa còn có nhiều nội dung để ngỏ chưa viết hết, yêu cầu học sinh thông qua làm việc với tranh ảnh, sơ đồ, bản đồ…Sẽ cần thiết liên quan đến nội dung bài học mà tác giả trong sách giáo khoa muốn chuyển tải đến học sinh.
Ví như : Khi học bài Nước Văn Lang dạy về phần tổ chức bộ máy nhà nước Văn Lang giáo viên chỉ cần yêu cầu học sinh vẽ lại sơ đồ tổ chức bộ máy nhà nước Văn Lang và tự nắm kiến thức theo sơ đồ. Và có thể dựa vào sơ đồ này để học sinh vẽ được sơ đồ nhà nước thời An Dương Vương . Từ đây học sinh có thể nêu nhận xét so sánh về tổ chức bộ máy nhà nước Văn Lang Và Âu Lạc . Để hướng dẫn học sinh nắm kiến thức theo sơ đồ giáo viên có thể hỏi một số câu hỏi gợi ý như : “Đứng đầu nhà nước là ai ?” “Giúp việc cho vua là ai?” “Dưới cấp trung ương là cấp nào? Ai đứng đầu?”…
Kênh hình phong phú đa dạng như vậy đòi hỏi giáo viên phải sử dụng linh hoạt, sáng tạo, hướng dẫn học sinh về nhà tìm hiểu những nội dung đó để các em có biểu tượng ban đầu về sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử…Thể hiện trong kênh hình. Tuy nhiên đây là việc khó khăn với học sinh. Nên giáo viên phải hướng dẫn cho học sinh quan sát.
Thông thường kênh hình nói chung và hình vẽ tranh ảnh nói riêng được trình bày với tư cách là nguồn cung cấp thông tin, kiến thức được kèm theo câu hỏi để học sinh tự làm việc với sách giáo khoa dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nhằm rút ra những kiến thức lịch sử nhất định.
Giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát từ tổng thể đến chi tiết, kết hợp mô tả, phân tích, đàm thoại qua hệ thống câu hỏi gợi mở để học sinh tự rút ra những kết luận. Giáo viên có thể tổ chức cho các em làm việc cá nhân, theo nhóm hoặc cả lớp.
Ví dụ : Khi dạy bài Ai Cập cổ đại, giáo viên cho học sinh quan sát hình 6.6 , yêu cầu học sinh nêu hiểu biết về Kim Tự Tháp , sau đó giáo viên giảng một số ý : “Kim tự tháp là một khối đá hình tháp, hàng ngàn người đã được huy động mang những tảng đá lớn từ dãy A – ráp tới sông Nil, hàng triệu tảng đá được ghè đẽo, mài nhẵn, chồng xếp lên nhau không có một loại vật liệu kết dính nào”.Các công trình Kim Tự tháp vĩ đại ở khu lăng mộ Giza trở thành biểu tượng của nền văn hóa Ai Cập cổ xưa rất độc đáo và giá trị,. Sau đó giáo viên có thể hỏi :
“Em có suy nghĩ gì qua công trình kiến trúc này?” học sinh sẽ nhận thức được đây là một công trình kiến trúc vĩ đại, thể hiện tài năng, năng lực của con người thời kì bấy giờ, và các em sẽ thêm thán phục và biết quý trọng những người đã làm ra nó .
Ví dụ : Khi dạy bài Ấn Độ cổ đại, giáo viên cho học sinh quan sát lược đồ Ấn Độ cổ đại, yêu cầu học sinh xác định vị trí, những đặc điểm về điều kiện tự nhiên của Ấn Độ cổ đại. Kết hợp với việc chiếu lại lược đồ Ai Cập, Lưỡng Hà cổ đại và cho học sinh nhận xét điều kiện tự nhiên của Ấn Độ có gì giống và khác so với Ai Cập Lưỡng Hà.
Bên cạnh kênh hình có sẵn trong Sách giáo khoa giáo viên có thể bổ sung thêm một số hình ảnh từ phòng thiết bị của nhà trường hoặc nếu dạy máy chiếu thì rất thuận tiện.