HƯỚNG DẪN HỌC SINH KHAI THÁC KIẾN THỨC ĐỊA LÝ QUA ATLAT.
Bước 1: Đọc kĩ đề để tìm ra yêu cầu chính của đề bài.
Bước 2: Xác định đúng bản đồ cần sử dụng vào nội dung bài làm.
Bước 3: Sử dụng dữ kiện nào để trả lời tốt yêu cầu của chính của đề bài (hệ thống kí hiệu, màu sắc, số liệu qua các biểu đồ…)
Bước 4: Phân tích nhận xét thông qua Atlat để trả lời các yêu cầu của đề bài.
Cụ thể:
1. Trang hình thể.
Đọc 2 trang này, HS thấy được hình dạng chữ S của lãnh thổ, có bề dài dài, bề ngang hẹp, trải qua các vĩ độ và kinh độ nào. Giáp với các quốc gia nào. Tỷ lệ của núi, đồng bằng tương quan ra sao. Ngoài ra còn có các đảo và vùng biển rộng gấp 3 lần diện tích đất liền.
2. Trang địa chất khoáng sản
Ở trang này ta chỉ tập trung ở phần khoáng sản. Theo đó học sinh thấy được sự đa dạng khoáng sản nước ta và tập trung nhiều ở vùng Trung du- miền núi Bắc Bộ. Xác định được sự phân bố cụ thể từng loại khoáng sản.
Ví dụ: Than đá tập trung nhiều ở Quảng Ninh, ngoài ra còn có ở Thái Nguyên,Sơn La, Hoà Bình, Quảng Nam (Phải phối hợp các trang 6, 2, 21). Lưu ý : để tìm mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ phải xem thêm hình phụ lục ở dưới góc phải của trang 6.
Về việc vận dụng kiến thức đã học, học sinh hiểu thêm các loại mỏ thuộc năng lượng (than, dầu khí), các loại mỏ thuộc kim loại đen, thuộc kim loại màu, thuộc phi kim loại, các loại mỏ được xem là quan trọng ở nước ta có trữ lượng lớn hoặc có giá trị kinh tế cao (dầu khí, than đá, quặng sắt, bôxit, thiếc, apatit, đồng, titan, đá vôi, ximăng và sét cao lanh.. )
3. Trang khí hậu.
Trang này gồm có 3 hình: Khí hậu chung, nhiệt độ, lượng mưa.
a. Trang hình khí hậu chung cần lưu ý các điểm sau:
- Các miền khí hậu gồm : Khí hậu phía Bắc, miền khí hậu Đông Trường Sơn,miền khí hậu phía Nam. Dùng kiến thức đã học, học sinh có thể hiểu được đặc điểm ba miền khí hậu trên lần lượt là : có mùa đông lạnh, mưa nhiều vào mùa hạ; mưa tập trung vào thu đông; mang tính cận xích đạo nóng quanh năm, có một mùa mưa và một mùa khô tương phản sâu sắc.
- Chú ý sử dụng biểu đồ nhiệt và lượng mưa ở các nơi tiêu biểu như: Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP.HCM, để minh họa đặc điểm của 3 miền khí hậu trên.
- HS thấy được hướng gió mùa Hạ (chủ yếu là hướng Tây Nam), gió mùa mùa Đông (chủ yếu là hướng Đông Bắc, nhưng lưu ý có trường hợp gió Đông chỉ qua lục địa và trường hợp qua biển), hướng dẫn học sinh nhận xét gió Tây khô nóng .
- HS biết được hướng di chuyển và tần suất các cơn bão ở các tháng 6, 7, 8, 9, 10,11, 12. Trong đó tháng 9 có tần suất cao nhất từ 1-3 cơn đến 1-7 cơn bão trên tháng và hướng đi chủ yếu vào khu vực giữa của Bắc Trung bộ.
b. Ở hình nhiệt độ phản ánh nhiệt độ trung bình nước ta với 3 mốc thời gian:
+ Nhiệt độ trung bình năm cao nhất ở phía Nam và các tỉnh duyên hải từ Hoành Sơn vào nam ( trừ một số tỉnh ở Tây Nguyên).
+ Nhiệt độ trung bình tháng giêng: Nhiệt độ trung bình cao nhất ở vùng Nam Trung Bộ và Nam bộ.
+ Nhiệt độ trung bình tháng 7: Cao nhất là Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh duyên hải miền Trung, đặc biệt nền nhiệt độ lên cao nhất trong năm.
c. Ở hình lượng mưa gồm có 3 hình: Lượng mưa trung bình năm, tổng lượng mưa từ tháng 11 – 4( mùa mưa ít ), tổng lượng mưa từ tháng 5 -10 ( mùa mưa nhiều).
+ Lượng mưa trung bình năm: Nơi mưa nhiều là Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Giang. Giải thích dựa vào hướng gió qua biển kết hợp địa hình núi và ảnh hưởng của các cơn bão.
+ Tổng lượng mưa từ tháng 11- 4: Tổng lượng mưa nhiều ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Giải thích dựa vào gió Đông Bắc qua biển kết hợp địa hình Trường Sơn.(lưu ý phân biệt ký hiệu gió mùa mùa hạ, gió mùa mùa đông với dòng biển nóng và lạnh có màu giống nhau nhưng đuôi mũi tên dầy, mỏng khác nhau).
+ Hình tổng lượng mưa tháng 5 -10: Những nơi mưa nhiều là Hà Giang, LaiChâu, Quảng Nam, Kiên Giang, Cà Mau. Giải thích do nhận được gió mùa mùa hạ nhiều hoặc vị trí đón gió mùa hạ.
4. Trang đất, thực vật và động vật.
Trang này gồm 2 hình: Hình đất - thực vật và hình Phân khu địa lý động vật.
a. Ở hình đất và thực vật: GV cần chú ý hướng dẫn học sinh đọc một số loại đất chính ở mỗi vùng kinh tế.
Ví dụ: Ở ĐBSCL chủ yếu là nhóm đất phù sa, gồm phù sa ngọt (màu xanh lá), đất phèn (chiếm tỉ lệ lớn nhất), và đất mặn chủ yếu ở ven biển.
Ở Tây Nguyên gồm chủ yếu đất feralit trên đá badan và trên các loại đá khác.
Riêng thực vật ta có thể kết hợp nhận xét khi mô tả lát cắt địa hình.
b. Ở hình phân khu địa lý động vật:
Gồm 6 khu vực, mỗi khu vực có một số động vật chủ yếu. HS xem ghi chú bên dưới để mô tả các loại động vật chủ yếu ở từng khu vực.
Ví dụ: khu Nam Bộ gồm các động vật như: cò, sếu đầu đỏ, đồi mồi; khu Nam Trung Bộ gồm chủ yếu các loài khỉ, voi, bò tót, hươu, nai, lợn rừng…
5. Trang các miền tự nhiên. Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.
a. Đặc điểm của hướng núi và độ cao của núi.
Ví dụ: Hướng núi miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ chạy theo hướng TB-ĐN có độ cao lớn (có đỉnh núi Phăng-xi-păng cao 3143m và nhiều đỉnh khác cao trên 2000m) và thấp dần về phía Đông Nam.
b. Lát cắt địa hình.
Học sinh đọc lát cắt A-B, C-D bằng cách phối hợp bản đồ có đường gạch kẻ A-B, C-D với hình lát cắt địa hình (góc trái bên dưới) với thước tỉ lệ 1: 3.000.000.
Theo đó ta cần làm rõ các ý chính sau:
+ Hướng lát cắt.
+ Độ dài của lát cắt (dựa vào thước tỉ lệ ).
+ Lát cắt đi qua những địa hình núi, cao nguyên, thung lũng sông, đồng bằng nào.
+ Ở mỗi loại địa hình có độ cao là bao nhiêu, chạy dài bao nhiêu.
+ Ở mỗi loại địa hình có đất đai và thực vật gì, thuộc loại khí hậu gì. (phối hợp trang 7 và 8).
Ví dụ: mô tả lát cắt A-B.
- Hướng lát cắt: Tây Bắc- Đông Nam từ sơn nguyên Đồng Văn đến cửa sông
Thái Bình.
- Hướng nghiêng địa hình: Cao ở Tây Bắc và thấp dần về phía Đông Nam.
- Đường cắt đi từ biên giới Việt-Trung qua vùng núi phía Đông của sơn nguyên Hà Giang, cắt ngang sông Gâm, qua sườn phía Tây vùng núi Phia-Ya, rồi cắt ngang sông Năng và qua đỉnh núi Phia- Bióc (1578m), qua phía Đông thị xã Bắc Kạn và thượng nguồn sông Cầu của khu Việt Bắc.
Đường cắt tiếp tục đi qua cánh cung Ngân Sơn, Bắc Sơn và các vùng đồi núi xen kẽ giữa 2 cánh cung, vùng đồi núi thoai thoải của khu Đông Bắc rồi thấp dần về phía đồng bằng. Trước khi đến cửa sông Thái Bình lát cắt đi qua các sông Thương, Lục Nam, Kinh Thầy, Văn Úc của khu Đồng bằng Bắc Bộ.