Giới thiệu sách tháng 4/2023
Thời gian: Ngày 06 tháng 04 năm 2023
Địa điểm: Sân trường
Chủ đề: Mừng ngày hội đọc sách
Tác phẩm : “Không gia đình”
Tác giả : Hecto Malot
Mã Sách:TK. 5051
Người thực hiện: Nhóm cộng tác viênTV
Đối tượng: Giáo viên và học sinh
Số người tham dự: Toàn trường.
|
|
Kính thưa quí thầy cô cùng các bạn học sinh thân mến!
Các em học sinh thân mến!
Trong cuộc đời, các em có bao giờ gặp mảnh đời khổ đau bất hạnh? Có bao giờ em thấy mình may mắn khi sinh ra và lớn lên trong vòng tay bao bọc của mẹ cha chưa? Có bao giờ em thấy thương cảm với người kém may mắn phải lăn lộn trong cuộc đời từ nhỏ mà chưa từng được yêu thương của máu mủ ruột thịt dành cho nhau? Dù trả lời “CÓ” hay “KHÔNG” thì các em nên đọc tác phẩm “Không gia đình” của đại văn hào Hecto Malot - một tác phẩm nhân văn chứa nhiều bài học quý báu cho chúng ta. Sách do NXB Văn hóa Thông tin phát hành năm 2009 với 732 trang, khổ 13x19 cm, bìa cứng, trang trí đơn giản, có chiều sâu.
Trong số các tiểu thuyết của Hecto Malo, “Không gia đình” là nổi tiếng hơn cả. Cuốn sách được trao giải thưởng của Viện Hàn Lâm văn học Pháp. Xuất bản lần đầu năm 1878, được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và tái bản nhiều lần, “Không gia đình” được nhiều người đánh giá là tác phẩm kiệt tác vô giá của nhân loại hay đại diện tiêu biểu cho nền văn học Pháp.
Tại sao cuốn sách này lại lôi cuốn người đọc nhiều thế hệ say xưa đến như thế? Bởi “Không gia đình” giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc sống khó nhọc của người lao động và phẩm chất tốt đẹp của họ và điều tuyệt vời hơn đó là ý chí kiên cường, lòng yêu cuộc sống và trọng ân tình.
Cuốn sách kể về một em bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích đi theo một đoàn xiếc thú rồi cùng đoàn xiếc lưu lạc khắp nước Pháp sau đó em bị tù ở Anh. Cậu bé Remi ấy lớn lên trong gian khổ và sống cùng với bao hạng người, sống khắp mọi nơi, nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương. Em tự lao động để sinh tồn.
Lúc đầu dưới quyền điều khiển của một ông già từng trải và đạo đức - cụ Vitali, về sau thì tự lập. Cụ Vitali mất, em không chỉ lo cho mình mà còn đảm bảo hoạt động và sinh sống cho cả một đoàn hát rong. Có khi em và cả đoàn lang thang mấy ngày mà không có chút gì trong bụng; có lần em suýt chết rét, bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Và có lần em bị oan, bị giải ra trước tòa án và bị bỏ tù.
Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào em luôn nghe theo lời giảng dạy của ông già Vitali, đó là sống ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, luôn nhớ ơn, luôn luôn cố gắng làm người có ích.
Qua cuộc phiêu lưu của cậu bé Rêmi, ta thấy được nhiều điều về số phận khổ đau của con người... Trước hết là số phận của Rêmi - một nạn nhân của cuộc tranh giành quyền thừa kế tài sản. Mới sáu tháng tuổi, Rêmi đã bị bắt cóc và vứt ở một vườn hoa tại Pari để ông chú tham lam có thể độc chiếm số tài sản. Lớn lên, em sống cuộc đời phiêu bạt của kẻ hát rong và phải chịu bao nhiêu gian khổ.
Cuộc đời của cụ Vitali là một bi kịch. Cụ vốn là một người đức cao vọng trọng nhưng sau phải làm nghề xiếc chó rong sống qua ngày. Cụ gắng sức, lao tâm khổ tứ, chịu không biết bao nhiêu khổ cực, chịu cái đói, cái nghèo... Sức lực của cụ bị bào mòn dần bởi điều kiện không gian và thời gian khắc nghiệt. Để rồi cụ chết. Chết đói, chết rét ngoài đường.
Còn cả chú bé Matchia. Hàng ngày, cậu bị đánh đập, bắt làm việc chỉ để kiếm 30 xu lẻ. Matchia bị đánh đến mức cái đầu phình to ra. Thậm chí, Matchia còn mong muốn ông chủ đánh nó cho đau vào. Bởi: nếu họ mặc xác cậu, thì cậu chết, thế là hết, thế là giải thoát; còn nếu họ đưa cậu đến bệnh viện, thì sướng quá, cậu được chăm sóc tận tình và bệnh viện chẳng khác nào thiên đường.
Nhưng cuốn sách này không chỉ có toàn đau khổ, tác phẩm còn đề cập đến giá trị tốt đẹp của con người. Đó là tình yêu thương.
Trước hết là tình cảm gia đình. Cụ Vitali yêu bé Rêmi. Cụ dạy Rêmi biết đọc, biết viết, dạy em học đàn để có nghề nuôi sống bản thân. Hơn hết, cụ dạy em giá trị của cuộc sống để tồn tại trong cái thế giới khắc nghiệt này.
Thật thiếu sót nếu không kể đến tình bạn thắm thiết của Rêmi và Matchia. Hai em sống đùm bọc nhau, chia sẻ đắng cay ngọt bùi. Và để biết bé Remi có được hưởng hạnh phúc, có tìm được gia đình hay không chúng ta tìm đọc cuốn sách nhé.
Tựa đề “Không gia đình” mang đến cảm giác buồn, cô đơn nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Hơn cả việc khắc họa bất hạnh của một đứa trẻ không gia đình, hơn cả một hành trình phiêu lưu đầy thú vị và nước mắt, cuốn sách mang đến cho bạn đọc nhiều khoảng lặng để nhìn nhận về cuộc sống, về giá trị sống.
Với giọng văn thật đẹp và ấm áp, với các câu chuyện nhỏ nhiều tình tiết, nhiều tuyến nhân vật đan xen, thắt rồi mở, mở rồi lại đưa nhân vật vào nút thắt của Hecstomalo khiến tác phẩm dày hơn 700 trang cuốn hút chúng ta theo từng trang sách.