Phần 1: KHÁI LƯỢC VỀ TRUYỆN
I. KHÁI NIỆM
- Truyện là thể loại văn học có phương thức trình bày một chuỗi sự việc, từ sự việc này đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa. Tự sự giúp người đọc và người nghe có thể hiểu rõ sự việc, con người, hiểu rõ vấn đề, từ đó bày tỏ thái độ khen chê. Tự sự rất cần thiết trong cuộc sống, trong giao tiếp, trong văn chương.
- Đặc điểm:
+ Tác phẩm tự sự phản ánh đời sống khách quan thông qua các sự kiện, hệ thống sự kiện: thể hiện một bức tranh khách quan về thế giới, về những gì tồn tại bên ngoài người trần thuật, không phụ thuộc và ý muốn và tình cảm của họ. Tất cả những sự việc, sự kiện, biến cố bên ngoài hay những cảm xúc, tâm trạng, ý nghĩ bên trong được nhà văn xem như đối tượng để phân tích.
+ Tác phẩm tự sự có khả năng phản ánh hiện thực một cách rộng lớn, bao quát: trong tác phẩm tự sự, không gian và thời gian không bị hạn chế. Nhân vật tự sự được khắc họa đầy đủ, nhiều mặt, triển khai sâu rộng trong nhiều mối quan hệ đa dạng và phong phú. Nhân vật được khắc họa từ ngoại hình đến nội tâm, cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
+ Tác phẩm tự sự luôn luôn có hình tượng người kể chuyện: làm nhiệm vụ tường thuật, kể chuyện để phân tích, nghiên cứu, khêu gợi, bình luận, cắt nghĩa những quan hệ phức tạp giữa nhân vật và nhân vật, giữa nhân vật và hoàn cảnh...Trong tác phẩm tự sự, hình tượng người trần thuật giữ một vai trò hết sức quan trọng và luôn luôn muốn hướng dẫn, gợi ý cho người đọc nên hiểu nhân vật, hoàn cảnh. như thế nào.
+ Lời văn trong tác phẩm tự sự: chủ yếu là lời văn kể chuyện, miêu tả.
II. CÁC THỂ LOẠI
1. Truyện ngắn:
Truyện ngắn là một thể loại văn học. Nó thường là các câu chuyện kể bằng văn xuôi và có xu hướng ngắn gọn, súc tích và hàm nghĩa hơn các câu truyện dài như tiểu thuyết. Thông thường truyện ngắn có độ dài chỉ từ vài dòng đến vài chục trang, trong khi đó tiểu thuyết rất khó dừng lại ở con số đó. Vì thế, tình huống truyện luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của nghệ thuật truyện ngắn. Truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một tình huống, một chủ đề nhất định. Trong khi đó, tiểu thuyết chứa được nhiều vấn đề, phủ sóng được một diện rộng lớn của đời sống. Do đó, truyện ngắn thường hết sức hạn chế về nhân vật, thời gian và không gian trong truyện ngắn cũng không trải dài như
tiểu thuyết. Đôi khi truyện ngắn chỉ là một khoảng khắc của cuộc sống.
2. Tiểu thuyết:
Tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và những vấn đề của cuộc sống con người, biểu hiện tính chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo những chủ đề xác định.
+ Tiểu thuyết có nhiều dạng thức kết cấu tùy theo yêu cầu của đề tài, chủ đề hoặc theo sở trường của người viết. Thậm chí người ta còn cho rằng, về nguyên tắc, tiểu thuyết không có một hình thức thể loại hoàn kết, bởi vì nó là “sử thi của thời đại chúng ta”, tức là sử thi của cái hiện tại, cái đang hàng ngày hàng giờ đổi thay.
+ Tuy thường gặp những kết cấu chương hồi, kết cấu tâm lý, kết cấu luận đề, kết cấu đơn tuyến, kết cấu đa tuyến v.v. tiểu thuyết vẫn không chịu được những chế định chặt chẽ, nó không có quy phạm cố định và người viết thậm chí có thể phá vỡ những khuôn mẫu sẵn có để vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo các hình thức kết cấu khác nhau. Kết cấu cho phép tạo nên một diện mạo chung nhất về tiểu loại: tiểu thuyết chương hồi, tiểu thuyết tâm lý, tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết đa thanh v.v.
- Có hai cách để phân biệt truyện ngắn hay tiểu thuyết:
+ Căn cứ theo số trang mà truyện có thể in ra.
+ Căn cứ theo cách viết của cả truyện: Tiểu thuyết hay truyện dài thì cứ triền miên theo thời gian, đôi khi có quãng hồi ức trở ngược lại. Truyện ngắn thì gây cho người đọc một cái nút, một khúc mắc cần giải đáp. Cái nút đó càng ngày càng thắt lại đến đỉnh điểm thì đột ngột cởi tung ra, khiến người đọc hả hê, hết băn khoăn.
III. CÁC ĐẶC TRƯNG
1. Sự kiện (biến cố)
- Sự kiện là những sự việc xảy ra trong đời sống, là những hành động, việc làm, những sự gặp gỡ... có khả năng làm bộc lộ bản chất nhân vật, thay đổi mối quan hệ người và người, làm thay đổi cảm xúc, tình cảm, nhận thức, thậm chí số phận nhân vật. Ví như sự kiện Tấm bị Cám lừa, lấy hết giỏ tép. Sự kiện này chứng tỏ bản chất lừa đảo, độc ác của Cám, vừa thể hiện bản tính thật thà, đôn hậu của Tấm, vừa tạo điều kiện để Tấm gặp Bụt. Hoặc như để kể về một người xấu như Lí Thông, người ta kể những sự kiện như hắn kết nghĩa anh em với Thạch Sanh, rồi lừa chàng đi gác miếu trăn tinh nhằm lấy thân chàng thế mạng cho hắn...
- Sự kiện thường là cái không bình thường (cho nên còn gọi là biến cố) trong đời sống nhân vật. Chính vì cái không bình thường ấy, đã khiến nhân vật phải suy nghĩ, phải cảm xúc, thậm chí phải đấu tranh, dằn vặt, phải tự ý thức... để sau đó buộc nhân vật phải có những hành động, ứng xử phù hợp tiếp theo. Có những sự kiện nhỏ, có những sự kiện lớn trong cuộc đời nhân vật, song tất cả đều làm cho bản chất sâu kín của nhân vật hiện lên rõ nét. Cái không bình thường của sự kiện thường xảy ra một cách bất ngờ, đột ngột, có thể phá vỡ trật tự vốn đang tồn tại, làm cho sự kiện trở thành cái lạ lùng, “thậm chí một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”, ví như sự kiện cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân vậy.
- Sự kiện, về bản chất, là sản phẩm của mối quan hệ con người và hoàn cảnh, môi trường, cho nên nó có khả năng phản ánh cuộc sống một cách toàn diện. Qua sự kiện, có thể biết được các mối quan hệ của con người. Ví dụ, chuỗi sự kiện trong Truyện Kiều đã cho thấy mối quan hệ của người dân với hệ thống quan lại, của gái lầu xanh với chủ chứa, nông dân khởi nghĩa với triều đình... Bên cạnh đó, là mối quan hệ con người và môi trường: những đoạn tả cảnh thiên nhiên, tả đồ vật... thường được miêu tả rất cụ thể, chi tiết.
- Sự kiện còn là kết quả của mối dây liên hệ của con người đối với thế giới. Cho nên, theo mối liên hệ của các sự kiện mà tác giả tự sự có thể mở rộng không gian - thời gian không hạn chế. Vì vậy, một tác phẩm có thể miêu tả một khoảng khắc, nhưng cũng có thể miêu tả cả một đời người, thậm chí nhiều thế hệ. Ông khách ở quê ra khiến người kể chuyện nhớ lại toàn bộ chuyện về cuộc đời của ông lão Khúng với mọi thăng trầm của đời người cũng như của cả một vùng đất (Khách ở quê ra - Nguyễn Minh Châu).
Người đời thường nhắc đến những sự kiện văn học nổi tiếng với những giá trị xã hội và nhân sinh sâu sắc: Ô-đi-xê lưu lạc mười năm, Từ Thức gặp tiên; Thúy Kiều bán mình chuộc cha; Phăng-tin bán tóc, bán răng, bán thân nuôi con; Chí Phèo đòi được làm người lương thiện, anh Tràng nhặt được vợ... Các sự kiện văn học nổi tiếng này thường có sức hấp dẫn đặc biệt.
2. Cốt truyện
- Có hai cách hiểu về khái niệm cốt truyện. Một là, cốt truyện là hạt nhân cơ bản của câu chuyện với trật tự các sự kiện theo tuyến tính. Với nghĩa này, các nhà nghiên cứu thường gọi đó là khung cốt truyện. Hai là, cốt truyện đã được nghệ thuật hóa nằm những mục đích tư tưởng và thẩm mĩ nhất định: đan xen các tuyến nhân vật, phát triển các thành phần phụ, đảo lộn trật tự thời gian, lắp ghép các môtíp, đầu cuối tương ứng... Với nghĩa này, người ta dùng khái niệm truyện kể. Ở đây, chúng ta nói đến cốt truyện là nói đến cốt truyện đã được nghệ thuật hóa. Cốt truyện là chuỗi sự kiện có tính liên tục trước sau, có quan hệ nhân quả hoặc có liên hệ về ý nghĩa, vừa có tác dụng biểu hiện tính cách, số phận nhân vật, vừa xây dựng bức tranh đời sống hiện thực, vừa là yếu tố gây hấp dẫn cho nguời đọc.
- Tiến trình các sự kiện sẽ tạo thành cốt truyện. Bình thường, đứng về cấu trúc cơ bản và truyền thống, cốt truyện thường có các thành phần cơ bản như: trình bày, thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút. Trật tự cốt truyện thường được kể theo trật tự tuyến tính, theo dòng lịch sử. Trong truyện tự sự hiện đại, năm thành phần cơ bản này có thế thiếu vắng một thành phần nào đó và việc kể chuyện có thể không theo trật tự trước sau của câu chuyện, mà có sự đảo ngược, xen lẫn các thành phần.
- Ngoài ra, còn có thể có những dạng cốt truyện phổ biến như: truyện lồng trong truyện. Trong truyện Lão Hạc của Nam Cao, có cốt truyện ông lão buộc phải bán con chó mình yêu quí và cốt truyện về ông giáo lúc đầu không hiểu sau dần dần hiểu được ông lão hàng xóm của mình. Truyện Một nghìn lẻ một đêm xứ Ba Tư chính là một kiểu chồng chất các câu chuyện nằm trong chuyện. Có truyện lặp lại, đầu cuối tương ứng (Chí Phèo - Nam Cao).
+ Truyện xây dựng trên một mô típ. Đặc biệt ở truyện cổ tích, những môtíp phối hợp với nhau hình thành mối liên hệ chủ đề của tác phẩm.
+ Cốt truyện ở đây được xem là sự tổng hợp các mô típ theo kế tục thời gian và nhân quả. Cốt truyện trữ tình là câu chuyện không có sự kiện gì đặc biệt mà chủ yếu dựa theo cảm xúc của nhân vật (Dưới bóng hoàng lan, Hai đứa trẻ - Thạch Lam). Đó là loại truyện kể về thế giới nội tâm nên sự kiện chính là sự kiện nội tâm (sự kiện bên trong, sự kiện tâm trạng).
- Cốt truyện thường mang những chức năng sau: Tạo thành lịch sử cuộc đời nhân vật với những thăng trầm, biến đổi. Cốt truyện Tấm Cám cho thấy số phận của một cô gái quê nghèo, hiền lành, chăm chỉ, trải qua bao khó khăn, vất vả, thậm chí phải chết đi sống lại nhiều lần, để cuối cùng có được một hạnh phúc lâu dài. Cốt truyện còn góp phần bộc lộ xung đột, mâu thuẫn của con người, có ý nghĩa nhân sinh. Cốt truyện Cây khế có những sự kiện có vẻ như trùng lặp nhưng cuối cùng dẫn đến hai kết cục hoàn toàn khác biệt do cách ứng xử nhân sinh khác biệt với từng sự kiện đó. Cốt truyện còn có nhiệm vụ tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện, cho nên những phép ngẫu nhiên, bất ngờ, lặp lại, đột ngột, lắp ghép, giả mà như thật... đều làm cho cốt truyện tăng thêm phần hấp dẫn. Cốt truyện phiên lưu cho thấy nhân vật luôn phải tự gỡ mình thoát ra khỏi các tình huống gay cấn. Cốt truyện tài hoa tài tử gặp gỡ bao giờ cũng có những trở ngại và cuối cùng đoàn viên hạnh phúc...
- Ngoài ra, bên cạnh cốt truyện, như là thành phần động, còn có các thành phần khác, mang tính tĩnh tại, có thể gọi là thành phần xen, hay thành phần ngoài cốt truyện. Đây là những thành phần như miêu tả, kể, bình luận, trữ tình, cảnh thiên nhiên, môi trường,giới thiệu lai lịch, khắc họa nội tâm, giới thiệu phong tục... Những thành phần này tuy không đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện, nhưng chính nó góp phần làm cho tác phẩm trở thành một sinh mệnh đầy đặn, có sự sống, có linh hồn. Đây là thành phần giàu chất tạo hình và biểu hiện, làm cho văn học có thể so sánh với hội họa, điêu khắc, âm nhạc, cung cấp những bức tranh hấp dẫn, sinh động về hiện thực, vừa giàu khả năng lí giải tường tận tâm lí, hành động nhân vật cũng như các nội dung khác của đời sống.
Đoạn miêu tả tiếng đàn của Thúy Kiều, miêu tả không gian đêm về trong truyện Hai đứa trẻ (Thạch Lam), sự mở rộng các thành phần tĩnh tại này làm cho tác phẩm tự sự có
khả năng trình bày trọn vẹn đầy đặn về cuộc sống, tạo không khí, nhịp điệu, ấn tượng,
cách đánh giá và cảm thụ thế giới với những đặc sắc thẩm mĩ. Sự luân phiên các thành
phần động (sự kiện), tĩnh (miêu tả, bình luận, kể...) sẽ tạo nên nhịp điệu trần thuật. Nếu
tập trung vào sự kiện (thành phần động), nhịp điệu câu chuyện sẽ nhanh, còn tập trung
vào thành phần tĩnh, nhịp điệu câu chuyện sẽ trở nên chậm rãi.
3. Người kể chuyện
- Người kể chuyện là chủ thể của hành động kể chuyện, có vai trò như một người chứng kiến, trình bày và sáng tạo trong câu chuyện. Người kể chuyện có thể là chính tác giả nhưng cũng có thể là một vai do tác giả hư cấu giúp tác giả kể lại câu chuyện của mình.
- Người kể chuyện có ngôi kể, vai kể, điểm nhìn, giọng điệu kể, có nhiệm vụ phân tích, nghiên cứu, giải thích, khêu gợi, bình luận, làm sáng tỏ mọi quan hệ phức tạp giữa nhân vật và hoàn cảnh. Thí dụ, người kể chuyện đã giới thiệu, giải thích lai lịch nhân vật trong đoạn mở đầu truyện Tấm Cám: Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Mẹ Tấm chết từ hồi Tấm mới biết đi. ít lâu sau, người cha cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám. Nhân vật này có thể lộ diện, nhưng cũng có thể vô danh, nhưng bao giờ người đọc cũng cảm nhận được linh hồn của người kể chuyện này một cách rõ rệt, gần gũi thông qua lời kể, giọng điệu, điểm nhìn, cách dẫn dắt và phân tích, lí giải cốt truyện...
- Có nhiều cách phân loại người kể chuyện.
+ Theo N. Friednam, trong sách Điểm nhìn trần thuật (1967), có thể phân loại người kể chuyện thành những loại như: người kể chuyện biết hết, người kể chuyện không biết hết, là nhân chứng (thường là ngôi), là vai chính (nhân vật kể), người kể toàn năng (dựa vào điểm nhìn nhiều nhân vật), người kể chuyện đơn lẻ (điểm nhìn một nhân vật), người kể camera (không tỏ thái độ chủ quan), người kể quan sát kịch (chỉ thấy hành động).
+ Dựa vào ngôi kể có thể xác định gồm có 2 kiểu người kể chuyện: Thứ nhất, người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng tôi, thường là người tham gia trong câu truyện, là nhân vật trong truyện. Thứ hai là người kể chuyện theo ngôi thứ ba, không tham gia vào câu chuyện, chỉ đứng bên ngoài để kể.
Trong truyện truyền thống, người kể chuyện thường là người đứng ngoài câu chuyện, hoặc là chính tác giả, thường ít xưng danh. Nhưng trong truyện hiện đại, nhân vật người kể chuyện có thể ở ngôi thứ nhất, xưng tôi, nhân vật này có thể là một
nhân vật trong câu chuyện (ông giáo trong truyện Lão Hạc - Nam Cao) hoặc ngôi thứ
ba (người kể chuyện đứng bên ngoài câu chuyện). Loại nhân vật này có một giọng điệu
thể hiện qua cách nhìn, cách cảm thụ, phương thức tư duy, năng lực trí tuệ, tình cảm,
bộc lộ qua ngôn ngữ. Như vậy là nhân vật người kể chuyện cũng được cá tính hóa. Chính giọng điệu này đã xác định được phần nào phong cách của tác giả. Ví dụ, lời người kể chuyện trong tác phẩm của Nguyễn Khải luôn có xu hướng phân tích lí giải cặn kẽ cách ứng xử của nhân vật trong các mối quan hệ, còn lời kể chuyện của Thạch Lam luôn chứa đầy những miêu tả cảm giác, mang thiên hướng trữ tình.
4. Điểm nhìn kể chuyện
4.1. Khái niệm
- Tầm quan trọng của điểm nhìn nghệ thuật: Tác phẩm văn học nào dù là thơ hay truyện cũng xuất phát từ điểm nhìn cụ thể. Không thể không có tác phẩm văn học nếu không có điểm nhìn và điểm nhìn góp phần quan trọng tạo nên giá trị tác phẩm. Tác giả Nguyễn Thái Hòa trong Điểm nhìn trong lời nói giao tiếp và và điểm nhìn trong nghệ thuật trong truyện đã khẳng định điểm nhìn điểm bắt đầu và chi phối sâu sắc đến tác phẩm. Đồng thời ông cũng nhận thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa điểm nhìn với người kể, tác phẩm và người đọc: “Điểm nhìn nghệ thuật là điểm xuất phát của một cấu trúc nghệ thuật, hơn thế nữa là một cấu trúc tiềm ẩn được người đọc tiếp nhận bằng thao tác suy ý từ các mối quan hệ phức hợp giữa người kể và văn bản, giữa văn bản và người đọc văn bản, giữa người kể và người đọc hàm ẩn"
- Khái niệm: Nguyễn Thị Thu Thủy trong cuốn sách Điểm nhìn và ngôn ngữ trong truyện kể đã khẳng định điểm nhìn trong truyện kể chi phối tới quá trình quan sát và kể lại: "Điểm nhìn là vị trí, xuất phát điểm mà từ đó hiện thực được quan sát và kể lại". Tác giả Nguyễn Thị Hoài An trong luận án tiến sĩ của mình khẳng định “Điểm nhìn nghệ thuật trong tự sự là vị trí, chỗ đứng nhất định để nhìn nhận, xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng ...và sau đó kể, miêu tả, thể hiện chúng bằng hình thức của một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ”. Cần lưu ý rằng vị trí, chỗ đứng không chỉ là vị trí trong không gian, thời gian mà còn là tầm nhận thức, trình độ, văn hóa, lứa tuổi, giới tính, trải nghiệm… của người kể chuyện. Từ điểm nhìn nghệ thuật người kể chuyện xác định thông tin trọng tâm (tiêu điểm) để kể, miêu tả và thể hiện thái độ, bình luận. Mối quan hệ giữa chủ thể của điểm nhìn với truyện và tiêu điểm sẽ quyết định ngôi kể trong truyện”.
- Mối quan hệ của điểm nhìn với đối tượng được nói đến trong tác phẩm: Điểm nhìn của chủ thể có điểm rơi vào khách thể. Từ điểm nhìn nghệ thuật, chủ thể của điểm nhìn quan sát, kể lại, miêu tả và bình luận khiến đối tượng được nói đến hiện lên sống động. Nhìn chung, khi phân tích tác phẩm theo điểm nhìn nghệ thuật chúng ta phải trả lời cho các câu hỏi: Người trần thuật là ai? Anh ta miêu tả cái gì? Và dưới cái nhìn của anh ta thì cái được miêu tả hiện ra như thế nào? Từ đó, điểm nhìn nghệ thuật trong tác phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp người đọc thâm nhập sâu vào tác phẩm trên bình diện nghệ thuật, khám phá một cách sâu sắc giá trị nội dung, tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm ở đứa con tinh thần của mình.
- Về bản chất điểm nhìn nghệ thuật luôn xuất phát từ điểm nhìn của tác giả và mỗi tác phẩm truyện đều ẩn chứa trong đó hình tượng tác giả. Từ việc phân tích điểm nhìn nghệ thuật của tác phẩm, người đọc còn có thể tìm ra được nét riêng độc đáo trong phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn.
4.2. Phân loại điểm nhìn
- Theo vị trí quan sát của người kể, có thể phân theo điểm nhìn kể chuyện như: điểm nhìn bên ngoài, bên trong; điểm nhìn không gian (xa, gần), điểm nhìn di động (từ đối tượng này sang đối tượng khác), điểm nhìn thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai), điểm nhìn luân phiên (trong, ngoài). Sự luân phiên điểm nhìn này cho thấy sự linh hoạt của các kiểu tổ chức miêu tả và bình luận trong cốt truyện.
- Tuy nhiên, điểm nhìn người kể chuyện thường được phân chia thành ba loại chính: điểm nhìn toàn tri (vô điểm nhìn), điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn bên trong. Ngoài ra, còn có thể kể đến kiểu điểm nhìn di động. Dựa trên tầm nhìn, vai trò của người kể chuyện và mối quan hệ giữa điểm nhìn với tiêu điểm, ngôi nhân xưng, hình thức ngôn ngữ người ta xác định các tiêu chí nhận diện điểm nhìn trong tự sự như sau:
1) Các tiêu chí nhận diện tác phẩm kể chuyện theo điểm nhìn toàn tri
- Về tầm nhìn và vai trò của người kể chuyện: Người kể chuyện có khả năng biết hết về câu chuyện, biết nhiều hơn nhân vật và là chủ thể của điểm nhìn. Người kể chuyện không chỉ có vai trò kể lại câu chuyện mà còn có thể bình luận, điều khiển nhân vật.
- Về ngôi, nhân xưng:
+ Người kể chuyện thường không xuất hiện (hàm ẩn) hoặc hiếm khi là người kể chuyện tường minh xưng "tôi".
+ Nhân vật thường ở ngôi thứ ba.
- Về tiêu điểm kể chuyện: Người kể chuyện có cái nhìn biết hết nên nhân vật có thể được kể từ bên ngoài (ngoại hình, lời nói, hành động) vào bên trong (nội tâm) một cách rõ nét.
- Về ngôn ngữ kể chuyện: chủ yếu là lời người kể chuyện, là lời kể gián tiếp.
2) Các tiêu chí nhận diện tác phẩm kể chuyện theo điểm nhìn bên ngoài
- Về tầm nhìn và vai trò của người kể chuyện: Người kể chuyện mặc dù vẫn là chủ thể của điểm nhìn nhưng biết ít hơn nhân vật, chỉ có khả năng nhìn nhận từ bên ngoài mà không biết gì về nội tâm bên trong của nhân vật. Người kể chuyện ít có khả năng đánh giá, phán đoán và không có khả năng điều khiển nhân vật.
- Về ngôi, nhân xưng:
+ Người kể chuyện không xuất hiện trong tác phẩm, hoàn toàn giấu mình.
+ Nhân vật thường ở ngôi thứ ba.
- Về tiêu điểm kể chuyện: Nhân vật chỉ có thể được kể từ bên ngoài bằng ngoại hình, lời nói, hành động.
- Về ngôn ngữ kể chuyện: Ngôn ngữ gián tiếp, chủ yếu là ngôn ngữ người kể chuyện. Trong một số tác phẩm ngôn ngữ đối thoại của nhân vật được coi trọng và chiếm một tỉ lệ cao.
3) Các tiêu chí nhận diện tác phẩm kể chuyện theo điểm nhìn bên trong
- Về tầm nhìn và vai trò của người kể chuyện: Chủ thể của điểm nhìn là nhân vật. Người kể chuyện có thể là nhân vật kể chuyện mình hoặc nhập thân vào nhân vật để kể chuyện nên chỉ có thể nhìn nhận, kể chuyện, bình luận, lí giải, phán đoán bằng tầm nhìn của một nhân vật.
- Về ngôi, nhân xưng: Người kể chuyện đồng thời là nhân vật, có thể xuất hiện trong tác phẩm ở ngôi thứ nhất (với trường hợp người kể chuyện là nhân vật kể chuyện mình) hoặc ngôi thứ ba (với trường hợp người kể chuyện nhập thân vào nhân vật để kể chuyện).
- Về tiêu điểm kể chuyện: Tiêu điểm kể chuyện là nội tâm của nhân vật nên truyện kể thường ít sự kiện, ít nhân vật, ít hành động, lời nói.
- Về ngôn ngữ kể chuyện: Ngôn ngữ kể chuyện là lời kể trực tiếp với trường hợp người kể chuyện là nhân vật kể chuyện mình hoặc nửa trực tiếp với trường hợp người kể chuyện nhập thân vào nhân vật để kể chuyện.
4) Điểm nhìn di động: Là kiểu kể chuyện mà người kể chuyện tựa vào nhiều điểm nhìn khác nhau để kể chuyện: Trong tác phẩm người kể chuyện di chuyển từ điểm nhìn này sang điểm nhìn khác để kể chuyện. Tiêu biểu cho phương thức kể chuyện này là tác phẩm Đời thừa. Ban đầu, người kể chuyện kể chuyện kể từ điểm nhìn của Từ với đối tượng được quan sát và kể, miêu tả là nhân vật Hộ. Sau đó, người kể chuyện lại xuất phát từ điểm nhìn của nhân vật Hộ để quan sát, kể và miêu tả về nhân vật Từ. Điểm nhìn di chuyển như vậy cung cấp một cái nhìn đa chiều về cuộc sống mòn mỏi của người trí thức trong xã hội cũ.
5. Phương thức kể chuyện
Trong nghệ thuật kể chuyện hiện đại, căn cứ vào điểm nhìn nghệ thuật có thể chia thành ba phương thức trần thuật.
5.1. Phương thức kể chuyện thứ nhất: Người kể chuyện giấu mình, không xuất hiện nhưng lại biết tất cả và kể về các nhân vật, sự kiện … Nhân vật là đối tượng được kể nên thuộc ngôi thứ ba (hắn, y, thị, nó, anh, cụ…).
5.2. Phương thức kể chuyện thứ hai: Nhân vật tự kể chuyện mình xưng tôi, thuộc ngôi thứ nhất kể chuyện về chính mình, về những gì mình biết. Vai trò của anh ta trong tác phẩm vừa là nhân vật vừa là người kể chuyện.
5.3. Phương thức kể chuyện thứ ba: Người kể chuyện giấu mình nhưng chuyển điểm nhìn trần thuật cho nhân vật, điểm nhìn là điểm nhìn nhân vật, lời kể theo giọng điệu của nhân vật thuộc ngôi thứ ba còn gọi là lời nửa trực tiếp. Về bản chất điểm nhìn nghệ thuật luôn xuất phát từ điểm nhìn của tác giả và mỗi tác phẩm truyện đều ẩn chứa trong đó hình tượng tác giả. Tuy nhiên, đặc điểm nghệ thuật của mỗi tác phẩm khi đến với người đọc lại có những hiệu quả khác nhau. Hai phương thức trần thuật thứ nhất và thứ hai chịu chi phối sâu sắc hơn từ điểm nhìn tác giả, còn phương thức trần thuật thứ ba lại cho ấn tượng chủ yếu từ điểm nhìn nhân vật.
Phần 2: CÁC VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM VỀ TRUYỆN
(Thành các chuyên đề riêng)