1. Khái lược về điểm nhìn nghệ
thuật
- Tầm
quan trọng của điểm nhìn nghệ thuật: Tác phẩm
văn học nào dù là thơ hay truyện cũng xuất phát từ điểm nhìn cụ thể. Không thể
không có tác phẩm văn học nếu không có điểm nhìn và điểm nhìn góp phần quan trọng
tạo nên giá trị tác phẩm. Tác giả Nguyễn Thái Hòa trong Điểm nhìn trong lời nói giao tiếp và và điểm
nhìn trong nghệ thuật trong truyện đã khẳng định điểm nhìn điểm bắt đầu và
chi phối sâu sắc đến tác phẩm. Đồng thời ông cũng nhận thấy mối quan hệ chặt
chẽ giữa điểm nhìn với người kể, tác phẩm và người đọc: “Điểm nhìn nghệ thuật
là điểm xuất phát của một cấu trúc nghệ thuật, hơn thế nữa là một cấu trúc tiềm
ẩn được người đọc tiếp nhận bằng thao tác suy ý từ các mối quan hệ phức hợp
giữa người kể và văn bản, giữa văn bản và người đọc văn bản, giữa người kể và
người đọc hàm ẩn"
-
Khái niệm: Nguyễn Thị Thu Thủy trong cuốn sách
Điểm nhìn và ngôn ngữ trong truyện kể
đã khẳng định điểm nhìn trong truyện kể chi phối tới quá trình quan sát và kể
lại: "Điểm nhìn là vị trí, xuất phát điểm mà từ đó hiện thực được quan sát
và kể lại". Tác giả Nguyễn Thị Hoài An trong luận án tiến sĩ của mình
khẳng định “Điểm nhìn nghệ thuật trong tự
sự là vị trí, chỗ đứng nhất định để nhìn nhận, xem xét, đánh giá sự vật, hiện
tượng ...và sau đó kể, miêu tả, thể hiện chúng bằng hình thức của một tác phẩm
nghệ thuật ngôn từ”. Cần lưu ý rằng vị trí, chỗ đứng không chỉ là vị trí
trong không gian, thời gian mà còn là tầm nhận thức, trình độ, văn hóa, lứa
tuổi, giới tính, trải nghiệm… của người kể chuyện. Từ điểm nhìn nghệ thuật
người kể chuyện xác định thông tin trọng tâm (tiêu điểm) để kể, miêu tả và thể
hiện thái độ, bình luận. Mối quan hệ giữa chủ thể của điểm nhìn với truyện và
tiêu điểm sẽ quyết định ngôi kể trong truyện”.
-
Mối quan hệ của điểm nhìn với đối tượng được nói đến trong tác phẩm: Điểm nhìn của chủ thể có điểm rơi vào khách thể. Từ điểm
nhìn nghệ thuật, chủ thể của điểm nhìn quan sát, kể lại, miêu tả và bình luận
khiến đối tượng được nói đến hiện lên sống động. Nhìn
chung, khi phân tích tác phẩm theo điểm nhìn nghệ thuật chúng ta phải trả lời
cho các câu hỏi: Người trần thuật là ai?
Anh ta miêu tả cái gì? Và dưới cái nhìn của anh ta thì cái được miêu tả hiện ra
như thế nào? Từ đó, điểm nhìn nghệ thuật trong
tác phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp người đọc thâm nhập sâu vào tác phẩm trên bình diện nghệ thuật, khám phá một cách
sâu sắc giá trị nội dung, tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm ở đứa con tinh thần
của mình.
-
Điểm nhìn thể hiện phong cách nhà văn:
Về bản chất điểm nhìn nghệ thuật luôn
xuất phát từ điểm nhìn của tác giả và mỗi tác phẩm truyện đều ẩn chứa trong đó
hình tượng tác giả. Từ việc phân tích điểm nhìn nghệ thuật của tác phẩm,
người đọc còn có thể tìm ra được nét riêng độc đáo trong phong cách nghệ thuật
của mỗi nhà văn.
2. Phân loại điểm nhìn nghệ thuật
- Theo vị trí quan sát của người
kể, có thể phân theo điểm nhìn kể chuyện như: điểm nhìn bên ngoài, bên trong;
điểm nhìn không gian (xa, gần), điểm nhìn di động (từ đối tượng
này sang đối tượng khác), điểm nhìn thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai),
điểm nhìn luân phiên (trong, ngoài). Sự luân phiên điểm nhìn này cho thấy sự
linh hoạt của các kiểu tổ chức miêu tả và bình luận trong cốt truyện.
-
Tuy nhiên, điểm nhìn người kể chuyện thường được phân chia thành ba loại chính:
điểm nhìn toàn tri (vô điểm nhìn), điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn bên trong.
Ngoài ra, còn có thể kể đến kiểu điểm nhìn di động. Dựa trên tầm nhìn, vai trò của người kể chuyện và mối quan hệ giữa điểm
nhìn với tiêu điểm, ngôi nhân xưng, hình thức ngôn ngữ người ta xác định các
tiêu chí nhận diện điểm nhìn trong tự sự như sau:
2.1. Các
tiêu chí nhận diện tác phẩm kể chuyện theo điểm nhìn toàn tri
- Về tầm nhìn và vai trò của người kể chuyện: Người kể chuyện có khả năng biết hết về câu chuyện, biết
nhiều hơn nhân vật và là chủ thể của điểm nhìn. Người kể chuyện không chỉ có
vai trò kể lại câu chuyện mà còn có thể bình luận, điều khiển nhân vật.
- Về ngôi, nhân xưng:
+
Người kể chuyện thường không xuất hiện (hàm ẩn) hoặc hiếm khi là người kể
chuyện tường minh xưng "tôi".
+
Nhân vật thường ở ngôi thứ ba.
- Về tiêu điểm kể chuyện:
Người kể chuyện có cái nhìn biết hết nên nhân vật có thể được kể từ bên ngoài
(ngoại hình, lời nói, hành động) vào bên trong (nội tâm) một cách rõ nét.
- Về ngôn ngữ kể chuyện:
chủ yếu là lời người kể chuyện, là lời kể gián tiếp.
2.2.
Các tiêu chí nhận diện tác phẩm kể chuyện theo điểm nhìn bên ngoài
- Về tầm nhìn và vai trò của người kể chuyện: Người kể chuyện mặc dù vẫn là chủ thể của điểm nhìn nhưng
biết ít hơn nhân vật, chỉ có khả năng nhìn nhận từ bên ngoài mà không biết gì
về nội tâm bên trong của nhân vật. Người kể chuyện ít có khả năng đánh giá,
phán đoán và không có khả năng điều khiển nhân vật.
- Về ngôi, nhân xưng:
+
Người kể chuyện không xuất hiện trong tác phẩm, hoàn toàn giấu mình.
+
Nhân vật thường ở ngôi thứ ba.
- Về tiêu điểm kể chuyện:
Nhân vật chỉ có thể được kể từ bên ngoài bằng ngoại hình, lời nói, hành động.
- Về ngôn ngữ kể chuyện: Ngôn ngữ gián tiếp, chủ yếu là ngôn ngữ người kể chuyện.
Trong một số tác phẩm ngôn ngữ đối thoại của nhân vật được coi trọng và chiếm
một tỉ lệ cao.
2.3.
Các tiêu chí nhận diện tác phẩm kể chuyện theo điểm nhìn bên trong
- Về tầm nhìn và vai trò của người
kể chuyện: Chủ thể của điểm nhìn là nhân vật.
Người kể chuyện có thể là nhân vật kể chuyện mình hoặc nhập thân vào nhân vật
để kể chuyện nên chỉ có thể nhìn nhận, kể chuyện, bình luận, lí giải, phán đoán
bằng tầm nhìn của một nhân vật.
- Về ngôi, nhân xưng:
Người kể chuyện đồng thời là nhân vật, có thể xuất hiện trong tác phẩm ở ngôi
thứ nhất (với trường hợp người kể chuyện là nhân vật kể chuyện mình) hoặc ngôi
thứ ba (với trường hợp người kể chuyện nhập thân vào nhân vật để kể chuyện).
- Về tiêu điểm kể chuyện: Tiêu điểm kể chuyện là nội tâm của nhân vật nên truyện kể
thường ít sự kiện, ít nhân vật, ít hành động, lời nói.
- Về ngôn ngữ kể chuyện:
Ngôn ngữ kể chuyện là lời kể trực tiếp với trường hợp người kể chuyện là nhân
vật kể chuyện mình hoặc nửa trực tiếp với trường hợp người kể chuyện nhập thân
vào nhân vật để kể chuyện.
2.4. Điểm nhìn di động: Là kiểu kể
chuyện mà người kể chuyện tựa vào nhiều điểm nhìn khác nhau để kể
chuyện: Trong tác phẩm người kể chuyện di
chuyển từ điểm nhìn này sang điểm nhìn khác để kể chuyện. Tiêu biểu cho phương
thức kể chuyện này là tác phẩm Đời thừa.
Ban đầu, người kể chuyện kể chuyện kể từ điểm nhìn của Từ với đối tượng được
quan sát và kể, miêu tả là nhân vật Hộ. Sau đó, người kể chuyện lại xuất phát
từ điểm nhìn của nhân vật Hộ để quan sát, kể và miêu tả về nhân vật Từ. Điểm
nhìn di chuyển như vậy cung cấp một cái nhìn đa chiều về cuộc sống mòn mỏi của
người trí thức trong xã hội cũ.
3. Phương thức kể chuyện
Trong
nghệ thuật kể chuyện hiện đại, căn cứ vào điểm nhìn nghệ thuật có thể chia
thành ba phương thức trần thuật.
3.1. Phương
thức kể chuyện thứ nhất: Người kể chuyện giấu mình, không xuất hiện
nhưng lại biết tất cả và kể về các nhân vật, sự kiện … Nhân vật là đối tượng
được kể nên thuộc ngôi thứ ba (hắn, y, thị, nó, anh, cụ…).
2.2. Phương
thức kể chuyện thứ hai: Nhân vật tự
kể chuyện mình xưng tôi, thuộc ngôi thứ nhất kể chuyện về chính mình, về những
gì mình biết. Vai trò của anh ta trong tác phẩm vừa là nhân vật vừa là người kể
chuyện.
3.3. Phương
thức kể chuyện thứ ba: Người kể
chuyện giấu mình nhưng chuyển điểm nhìn trần thuật cho nhân vật, điểm nhìn là
điểm nhìn nhân vật, lời kể theo giọng điệu của nhân vật thuộc ngôi thứ ba còn
gọi là lời nửa trực tiếp. Về bản chất
điểm nhìn nghệ thuật luôn xuất phát từ điểm nhìn của tác giả và mỗi tác
phẩm truyện đều ẩn chứa trong đó hình tượng tác giả. Tuy nhiên, đặc điểm nghệ
thuật của mỗi tác phẩm khi đến với người đọc lại có những hiệu quả khác nhau.
Hai phương thức trần thuật thứ nhất và thứ hai chịu chi phối sâu sắc hơn từ
điểm nhìn tác giả, còn phương thức trần thuật thứ ba lại cho ấn tượng chủ yếu
từ điểm nhìn nhân vật.
LUYỆN ĐỀ
Đề số 1: Một trong
những thành công về mặt nghệ thuật trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn
Thạch Lam là đã tạo được một điểm nhìn phù hợp. Bằng hiểu biết về tác phẩm,
anh/chị hãy làm sáng tỏ.
1.
Giải thích
-
Khái niệm: Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Thủy
trong cuốn sách Điểm nhìn và ngôn ngữ
trong truyện kể đã khẳng định điểm nhìn trong truyện kể chi phối tới quá
trình quan sát và kể lại: "Điểm nhìn là vị trí, xuất phát điểm mà từ đó
hiện thực được quan sát và kể lại". Tác giả Nguyễn Thị Hoài An trong luận
án tiến sĩ của mình khẳng định “Điểm nhìn
nghệ thuật trong tự sự là vị trí, chỗ đứng nhất định để nhìn nhận, xem xét,
đánh giá sự vật, hiện tượng ...và sau đó kể, miêu tả, thể hiện chúng bằng hình
thức của một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ”. Cần lưu ý rằng vị trí, chỗ đứng
không chỉ là vị trí trong không gian, thời gian mà còn là tầm nhận thức, trình
độ, văn hóa, lứa tuổi, giới tính, trải nghiệm… của người kể chuyện. Từ điểm
nhìn, chủ thể sẽ hướng cái nhìn vào một đối tượng cụ thể tức là từ điểm nhìn
nghệ thuật người kể chuyện xác định thông tin trọng tâm (tiêu điểm) để kể, miêu
tả và thể hiện thái độ, bình luận.
- Tầm quan trọng của điểm
nhìn nghệ thuật: Tác phẩm văn học nào dù là
thơ hay truyện cũng xuất phát từ điểm nhìn cụ thể. Không thể không có tác phẩm
văn học nếu không có điểm nhìn và điểm nhìn góp phần quan trọng tạo nên giá trị
tác phẩm. Đồng thời ông cũng nhận thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa điểm
nhìn với người kể, tác phẩm và người đọc.
-
Mối quan hệ của điểm nhìn với đối tượng được nói đến trong tác phẩm: Điểm nhìn của chủ thể có điểm rơi vào khách thể. Từ điểm
nhìn nghệ thuật, chủ thể của điểm nhìn quan sát, kể lại, miêu tả và bình luận
khiến đối tượng được nói đến hiện lên sống động. Nhìn
chung, khi phân tích tác phẩm theo điểm nhìn nghệ thuật chúng ta phải trả lời
cho các câu hỏi: Người trần thuật là ai?
Anh ta miêu tả cái gì? Và dưới cái nhìn của anh ta thì cái được miêu tả hiện ra
như thế nào? Từ đó, điểm nhìn nghệ thuật trong
tác phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp người đọc thâm nhập sâu vào tác phẩm trên bình diện nghệ thuật, khám phá một cách
sâu sắc giá trị nội dung, tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm ở đứa con tinh thần
của mình.
-
Điểm nhìn nghệ thuật sẽ chi phối phương thức kể chuyện dẫn đến những phương
thức kể chuyện khác nhau, ngôi kể khác nhau…
-
Điểm nhìn thể hiện phong cách nhà văn:
Về bản chất điểm nhìn nghệ thuật luôn
xuất phát từ điểm nhìn của tác giả và mỗi tác phẩm truyện đều ẩn chứa trong đó
hình tượng tác giả. Từ việc phân tích điểm nhìn nghệ thuật của tác phẩm,
người đọc còn có thể tìm ra được nét riêng độc đáo trong phong cách nghệ thuật
của mỗi nhà văn.
2. Điểm nhìn trong
tác phẩm “Hai đứa trẻ”
2.1. Điểm nhìn của ai?
Trong tác phẩm nhà văn đã lựa chọn được điểm nhìn rất phù
hợp với câu chuyện. Tác phẩm được kể chuyện từ điểm nhìn của nhân vật Liên là
một cô bé có tâm hồn nhạy cảm. Hoàn cảnh và trải nghiệm của Liên có ảnh hưởng
đến điểm nhìn là gia đình vốn ở Hà Nội, vì thầy Liên mất việc, gia đình sa sút
nên phải về quê. Mẹ Liên làm nghề hàng xáo và giao cho hai chị em trông coi một
gian hàng tạp hóa nhỏ thuê lại của bà lão móm. Cuộc sống hàng ngày ở nơi phố
huyện nghèo nàn, bế tắc, tù đọng đã khiến tâm hồn Liên trở nên có nhiều suy tư.
2.2. Miêu tả cái gì? Và
dưới cái nhìn của anh ta thì cái được miêu tả hiện ra như thế nào? Điểm nhìn kể chuyện đã dẫn đến kiểu phương thức kể chuyện
nhà văn giấu mình và dựa vào điểm nhìn của nhân vật để kể chuyện. Bởi vậy trong
tác phẩm nhà văn có thể:
+ Trước hết đó là điểm nhìn thể hiện trong không gian, thời
gian. Khách thể chịu sự chi phối của điểm nhìn nghệ thuật là bức tranh thiên
nhiên và cuộc sống con người ở phối huyện nghèo từ lúc chiều muộn đến lúc đêm
khuya.
+ Đi sâu vào mọi ngõ ngách nội tâm của nhân vật để miêu tả
cảm nhận, tâm trạng của Liên trước bức tranh thiên nhiên, đời sống và tâm trạng
đợi tàu, tâm trạng khi đoàn tàu đi qua.
a. Bức tranh thiên nhiên, đời sống
hiện lên qua điểm nhìn của nhân vật Liên
(Điểm nhìn trong không gian, thời gian)
-
Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người lúc chiều muộn
-
Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người lúc đêm tối
b. Thế giới nội tâm của nhân vật
Liên
(Điểm
nhìn xuất phát từ cảm xúc, tư tưởng, trải nghiệm, vốn sống… của một cô bé có
tâm hồn nhạy cảm)
-
Tâm trạng lúc chiều muộn
-
Tâm trạng lúc đêm tối
-
Tâm trạng khi chờ tàu
-
Tâm trạng khi tàu đến
-
Tâm trạng khi tàu qua
3. Điểm nhìn thể hiện phong cách
nghệ thuật nhà văn Thạch Lam và chiều sâu nội dung, tư tưởng
- “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách
nghệ thuật của Thạch Lam. Lựa chọn điểm nhìn nghệ thuật của một nhân vật nhà
văn đã nhập thân vào nhân vật, tựa vào nhân vật để kể chuyện, kể, tả, bình luận
với tầm nhìn của nhân vật. Vì thế truyện ít sự kiện, hành động, không có cốt
truyện, không tạo ra những tình huống truyện éo le, nghịch cảnh mà đi sâu vào
thế giới nội tâm của hai đứa trẻ, đặc biệt là của nhân vật Liên với những rung
động, cảm xúc mơ hồ, mong manh mà thật tinh tế. Lối viết văn mềm mại, trữ tình,
trong sáng, giàu hình ảnh và nhạc điệu cùng các hình ảnh có tính biểu tượng rất
hấp dẫn. Tác phẩm như một “bài thơ trữ tình đượm buồn”, là một tiếng nói trữ
tình thầm kín, nhẹ nhàng nhưng thấm thía vô cùng.
- Thể hiện chiều sâu tư tưởng, nội dung và quan điểm văn
chương tiến bộ của Thạch Lam: Thông qua tâm trạng đợi
tàu của chị em Liên và Anh, tác phẩm thể hiện giá trị hiện thực, tư tưởng
nhân đạo sâu sắc và kín đáo thể hiện tinh thần yêu nước. Nhà văn thể hiện sự
quan tâm đến cuộc sống của những con người nghèo khổ, muốn văn chương trở thành
thứ vũ khí thanh cao và đắc lực làm cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp
hơn.
Đề
số 2: Thử
áp dụng lí thuyết Điểm nhìn vào việc
giảng dạy các tác phẩm văn học trong nhà
trường : “Những đứa con trong gia đình” của
Nguyễn Thi và “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.
1. “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi
Trong chương trình Văn học nhà trường có lẽ nghệ thuật kể chuyện
trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi được tìm hiểu
nhiều nhất và được xem là đặc sắc nhất. Nếu “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành
chủ yếu kể chuyện theo phương thức thứ nhất và chủ yếu từ điểm nhìn người kể
chuyện thì “Những đứa con trong gia đình” lại kể chuyện theo phương thức kể
chuyện thứ ba và kể theo điểm nhìn của nhân vật. Câu chuyện có cốt truyện khá
đơn giản kể về một gia đình nông dân Nam Bộ yêu nước, các thành viên trong gia
đình không chỉ gắn bó với nhau bằng tình cảm ruột thịt mà còn bằng truyền thống
căm thù giặc, gan góc, khát khao đánh giặc, giàu tình nghĩa, thủy chung, son
sắt với cách mạng. Trong tác phẩm nhà văn hoàn toàn giấu mặt và dường như đã
trao ngòi bút của mình cho nhân vật để nhân vật tự viết về mình và kể về các
thành viên khác trong gia đình. Ngôi kể và điểm nhìn nghệ thuật của tác phẩm có
thể được mô hình hóa như sau: NKC = NV = Việt (ngôi 3).
Điểm nhìn nghệ thuật trong tác phẩm là của một nhân vật duy nhất.
Điểm nhìn nghệ thuật chỉ thay đổi theo không gian, thời gian và diễn biến tâm
lý của nhân vật. Theo dòng ý thức của
nhân vật Việt thời gian có độ lùi về quá khứ. Điểm nhìn ban đầu là điểm nhìn
của thời hiện tại khi Việt đã được đồng đội tìm thấy và đang điều trị vết
thương trong một bệnh viện dã chiến. Từ đây Việt mới hồi tưởng lại lúc bị
thương nằm một mình ngoài chiến trường. Điểm nhìn thứ nhất vì thế dẫn đến điểm
nhìn thứ hai là điểm nhìn của một chiến sỹ trẻ đã chiến đấu dũng cảm rồi bị
thương nặng, trong giờ phút giao tranh giữa sự sống và cái chết anh nhớ về gia
đình bằng những ấn tượng sâu đậm nhất. Điểm nhìn nghệ thuật sau đó lại lùi về
quá khứ xa hơn, làm sống lại những kỷ niệm với những người thân ngày Việt còn ở
nhà.
Ở đây NT kể chuyện của nhà
văn ít nhiều chịu ảnh hưởng NTKC của các nhà tiểu thuyết phương Tây hiện đại
trong vấn đề tái hiện dòng ý thức. Sự thay đổi điểm nhìn nhân vật đã làm xáo
trộn không gian, thời gian truyện, làm câu chuyện không diễn biến thông thường
theo trình tự thời gian mà theo dòng hồi tưởng, cảm xúc, đan xen quá khứ và
hiện tại, từ những chi tiết ngẫu nhiên của thực tế chiến trường như “trời lất phất mưa”, “tiếng ếch nhái kêu dậy
lên” (14, tr.295), “Tiếng trực thăng
phành phạch”, “mùi nắng” (14, tr.297),‘tiếng
chim cu rừng gù gù”(14, tr.298)… mà
gợi ra những dòng hồi tưởng khi gần, khi xa, từ chuyện này sang chuyện khác một
cách tự nhiên, tạo được cả không gian nghệ thuật dồn nén và làm cho tác phẩm
trở nên giàu kịch tính.
Tài năng của nhà văn Nguyễn Thi là đã chọn được phương thức kể
chuyện theo điểm nhìn nhân vật rất phù hợp với chủ đề của tác phẩm. Qua dòng
hồi tưởng của Việt, các nhân vật là các thành viên khác trong gia đình dù chỉ
xuất hiện rất ít trong tác phẩm cũng trở nên sống động, tạo được ấn tượng khó
quên. Bên cạnh đó điểm nhìn nghệ thuật còn chi phối cách lựa chọn các chi tiết
điển hình thể hiện tính cách Nam bộ, thẳng thắn, bộc trực, lạc quan yêu đời,
giàu tình nghĩa nhưng căm thù ngùn ngụt với quân cướp nước. Ở họ có phẩm chất
của người Nam
bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gan góc, dũng cảm như thể được sinh ra để
cầm súng giết giặc. Khi có tâm trạng họ thường gửi gắm tâm sự qua tiếng hát,
câu hò, thường kể Lục Vân Tiên hoặc ca sáu câu vọng cổ. Tính cách Nam bộ điển
hình thể hiện rõ nhất qua nhân vật chú Năm. Người đọc hẳn sẽ nhớ mãi những từ
ngữ Nam bộ chỉ khi thốt qua miệng chú Năm mới trở nên cực kỳ hấp dẫn như “trọng trọng” (14, tr.295), “thỏn mỏn” (14, tr.302). Nhớ mãi cuốn
sổ gia đình như một thứ gia phả sống, một cuốn biên niên lịch sử mà chú là tác
giả. Trong cuốn sổ ấy bằng nét chữ còng còng, lời văn mộc mạc và những chi tiết
tưởng chừng rất nhỏ nhặt chú ghi lại những tội ác mà bọn giặc gây ra cho gia
đình, những chiến công của từng thành viên trong gia đình trong việc đánh giặc.
Nhớ mãi cả giọng hò “đã đục và tức như gà
gáy” (14, tr.296), chú hò về cuộc
đời cơ cực của chú và những chiến công của đất này. Mỗi khi chú hò gân cổ chú
nổi đỏ lên, mắt mở to đọng nước, tay chú đặt lên vai Việt, mắt nhìn thẳng vào
mắt Việt như nhắn nhủ điều gì… Những chi tiết nghệ thuật ấy được thể hiện qua
điểm nhìn nghệ thuật phù hợp khiến nhân vật trở nên rất gần gũi, chân thật.
Việc phân tích tác phẩm theo điểm nhìn của nhân vật Việt, còn giúp học sinh
hiểu sâu thêm về các nhân vật như: má Việt, Chị Chiến …
Lợi thế của nghệ thuật kể chuyện theo điểm nhìn nhân vật ở đây là
nhà văn có thể thâm nhập vào các ngóc ngách tâm lý nhân vật, làm cho cho truyện
giàu tính gợi cảm, có tác động mạnh mẽ
đến cảm xúc người đọc. Từ trạng thái tâm lý của Việt lúc tỉnh lúc mê, chập chờn
như những giấc mơ đối tượng được miêu tả dần dần mở rộng. Cụ thể lần thứ hai
tỉnh lại Việt nhớ chú Năm, lần thứ ba nhớ về người mẹ và lần thứ tư chủ yếu nhớ
đến chị Chiến. Có thể nói, nhà văn Nguyễn Thi đã miêu tả một cách xuất sắc tâm
lý nhân vật, trong những biến thái sinh động và tinh tế, trong đó đặc biệt chú ý đến tác động của
ngoại cảnh trong việc khơi gợi mạch hồi ức về gia đình.
Mặt khác, từ điểm nhìn nhân vật, nhà văn còn tạo ra được những
đoạn văn độc thoại và đối thoại cực kỳ hấp dẫn, đó là đoạn đối thoại giữa hai
chị em Việt và Chiến trong đêm trước khi lên đường đi bộ đội và nhất là đoạn
văn miêu tả cảnh hai chị em khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm. Ở hai đoạn văn
này nhà văn Nguyễn Thi đã thể hiện được cá tính cũng như thâm nhập rất sâu vào
tâm lý nhân vật.
Nhìn chung, khi trần thuật theo điểm nhìn nhân vật, nhà văn phải
thông hiểu ngôn ngữ, giọng điệu của nhân vật. Từ điểm nhìn của Việt, các nhân
vật là những thành viên khác trong gia đình được xưng hô một cách gần gũi, theo
vai vế và gợi tình ruột thịt thiêng liêng. Ví dụ nhân vật ông Năm = chú Năm,
nhân vật má Việt = má, nhân vật Chiến = Chị Chiến... Điểm nhìn của người Nam bộ
làm ngôn ngữ địa phương xuất hiện khá
nhiều trong tác phẩm với những từ ngữ như: tía, ba, má, cây thơm, miểng,
trái…Giọng điệu của tác phẩm cũng là giọng điệu nhân vật, mang thần hồn thần
tính của anh chàng Việt trẻ con, vô tư, lộc ngộc. Từ đó người học có thể tiếp
cận ngôn ngữ, giọng điệu của tác phẩm với tư cách là một biểu hiện của phong
cách nghệ thuật.
Tóm lại, trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” nhà văn
Nguyễn Thi đã tạo được một điểm nhìn nghệ thuật sắc sảo. Cách trần thuật theo
điểm nhìn nhân vật đã đem đến cho tác phẩm nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc,
đặc biệt có tác dụng làm nổi bật nội dung tư tưởng của tác phẩm. Chính sự hòa
quyện giữa tình cảm gia đình với tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu cách
mạng, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh
tinh thần to lớn cho người Việt Nam đi đến chiến thắng trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ.
2. “Chiếc thuyền ngoài
xa” của Nguyễn Minh Châu
Trong các truyện ngắn
được đưa vào chương trình Văn 12 ban cơ bản chỉ có truyện ngắn “Chiếc thuyền
ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu là ra đời sau năm 1975. Truyện được kể
theo phương thức trần thuật thứ hai và cũng là tác phẩm có nghệ thuật kể chuyện
đặc sắc trong chương trình văn học ở nhà trường. Người kể chuyện cũng là nhân
vật chính trong tác phẩm, xưng tôi và kể lại những chuyện mà mình đã chứng kiến
và đã tham gia, hơn nữa còn bày tỏ cả những suy nghĩ, đánh giá và cảm xúc. Điểm
nhìn nghệ thuật là điểm nhìn của nhân vật, của nhà nhiếp ảnh Phùng, người nghệ
sĩ say mê cái đẹp cũng là một người lính từ chiến trường trở về làm cho câu
chuyện trở nên tự nhiên, chân thật. Điều này có tác dụng rút ngắn khoảng cách
giữa người đọc và tác phẩm. Mô hình về ngôi kể, điểm nhìn nghệ thuật và nhân
vật trong tác phẩm có thể khái quát: Nhà văn = NKC = NV = Tôi (ngôi 1). Theo
điểm nhìn đó các nhân vật khác đều thuộc ngôi thứ ba. Chẳng hạn: người đàn bà =
chị, người đàn ông = lão, thằng Phác = nó, Đẩu = anh…
Điểm nhìn nghệ thuật
của tác phẩm chủ yếu là điểm nhìn của nhân vật Phùng = Tôi = NKC. Điểm nhìn ấy trước hết là điểm
nhìn của người nghệ sĩ say mê và tìm kiếm cái đẹp nên khi tìm thấy cái đẹp,
Phùng hoàn toàn choáng ngợp trước cảnh vật thiên nhiên mà anh cho là cảnh trời
cho, cả đời bấm máy anh mới gặp một lần. Điểm nhìn tiếp theo là điểm nhìn của
người ngoài cuộc chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài. Điểm nhìn
của một người lính từ chiến trường trở về, đã từng phải vào sinh ra tử để bảo
vệ đất nước, vì cuộc sống tốt đẹp của con người khiến Phùng không thể chấp nhận
cảnh tượng đó. Anh đã xông vào can thiệp để từ đây điểm nhìn của NKC = NV là
điểm nhìn của người trong cuộc có những ảnh hưởng nhất định đến diễn biến của
câu chuyện.
Từ điểm nhìn nghệ
thuật của nhân vật đồng thời là người kể chuyện, thời gian trần thuật được kể
theo trật tự tuyến tính, tức là theo trình tự thời gian thông thường làm cho
mạch truyện diễn ra tự nhiên, các chi tiết truyện kết nối với nhau một cách hợp
lý và chặt chẽ. Bắt đầu từ chuyện Phùng được giao nhiệm vụ đến vùng biển để
chụp một bức ảnh về cảnh biển trong một buổi sáng có sương mù. Anh đã đến vùng
biển cũng là chiến trường cũ nơi anh từng chiến đấu để chụp ảnh, ở đó anh còn
có một người bạn chiến đấu nay làm chánh án tòa án huyện. Tại đây anh có hai
phát hiện bất ngờ. Phát hiện thứ nhất là một bức tranh nghệ thuật toàn bích và
lãng mạn về cảnh vật thiên nhiên buổi sáng hôm ấy. Phát hiện thứ hai là bức
tranh hiện thực đời sống đầy nghiệt ngã về cuộc sống của gia đình hàng chài.
Anh đã tham gia vào câu chuyện của gia đình hàng chài và từ trái tim của người
nghệ sĩ mang nặng tình đời, tình người anh rút ra những chiêm nghiệm về đời
sống và nghệ thuật.
Xét về góc độ điểm nhìn thì truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài
xa” của Nguyễn Minh Châu và “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành đều không tạo
dựng cốt truyện theo một điểm nhìn đơn
nhất mà xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Nhưng điểm khác nhau là ở chỗ,
trong truyện ngắn này người kể chuyện còn đồng thời là nhân vật. Trong “Chiếc
thuyền ngoài xa” ta còn thấy có điểm nhìn của người đàn bà, của Đẩu khi họ nói
về nhân vật người đàn ông ở tòa án huyện. Điểm nhìn của Đẩu là điểm nhìn của
một vị chánh án, người bảo vệ công lý, trừng trị cái xấu và cái ác. Trong mắt
anh người đàn ông là kẻ độc ác không thể chấp nhận được. Nhưng từ điểm nhìn của
người đàn bà xấu xí, thất học và cam chịu thì ông ta là người ơn vì đã lấy chị,
vì đã giúp chị nuôi đàn con. Theo người đàn bà ông ta là nạn nhân của cuộc sống
đói nghèo, thậm chí chị còn cho rằng về bản chất ông ta là người “cục tính nhưng hiền lành lắm” (9, tr.
75)...Chính vì xuất phát từ nhiều
điểm nhìn khác nhau mà sự phản ánh hiện thực được thể hiện một cách khách quan
và phong phú. Để rồi từ chỗ nhìn nhận về
sự việc, nhân vật ở nhiều góc độ xa và gần, bên ngoài và bên trong và từ nhiều
phía nhà văn Nguyễn Minh Châu đã bộc lộ nhìn nhận của mình về cuộc đời và con
người. Cuộc đời hóa ra không hề đơn giản, xuôi chiều mà nhiều khi rất phức tạp,
bản chất của cuộc đời là đa sự và con người thì đa đoan. Vì vậy con người cần
có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để nhận ra bản chất bên trong của đời sống và
con người. Điều đó làm tăng giá trị nhận thức cho tác phẩm.
Truyện
được kể từ điểm nhìn của nhân vật nên diễn biến sự kiện mang đậm tính chủ quan.
Ở đây, nhân vật phải có cái nhìn của một nghệ sĩ thì mới có thể cảm nhận được
vẻ đẹp của thiên nhiên một cách trực tiếp“trước
mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một
nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng
do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc
như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. tất cả khung cảnh ấy
nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới
một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh
sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thật đơn giản và toàn bích khiến đứng trước
nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào.” (9,
tr.70) Những tình cảm, cảm xúc và thế giới nội tâm của nhân vật Phùng cũng xuất
hiện khá nhiều trong tác phẩm như “Có lẽ
suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy cảnh “đắt” như trời cho như
vậy” (9, tr.70), “Trong giây phút bối
rối tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám
phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn” (9, tr.70), “Tất cả mọi việc xảy đến khiến tôi kinh
ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn” (9,tr.72), “Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi
lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy
giờ nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng…” (9, tr.77,78). Khi nhân vật là người kể chuyện
thì thái độ, tình cảm của anh ta thường được bộc lộ qua động từ phán
đoán hay khắng định:“Có lẽ” (9,
tr.70), “chắc chắn” (9, tr.71), “ chắc mẩm” (9, tr.71), “tưởng (9, tr.70)”… Những động từ này có tác dụng truyền đến cho người đọc những xúc cảm, đánh giá của người kể chuyện.
Có lẽ cũng không phải
ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã chọn điểm nhìn người kể chuyện là
điểm nhìn của một người lính đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường và chọn
không gian chuyện ở một vùng biển vốn là chiến trường cũ vẫn còn dấu tích chiến
tranh với những chiếc xe tăng hỏng. Điểm nhìn nghệ thuật cũng như không gian
nghệ thuật này đã gợi mở thêm giá trị cho tác phẩm, giúp người đọc nhận ra rằng
cái nghèo đói, thất học là hậu quả của chiến tranh tàn khốc và cuộc chiến chống
lại cái xấu, cái ác để bảo vệ cái đẹp, cái thiện trong đời thường có khi còn
cam go hơn việc chiến đấu chống lại kẻ thù trong chiến tranh. Hơn nữa, cũng
không phải ngẫu nhiên Nguyễn Minh Châu chọn điểm nhìn của một nghệ sỹ đam mê
nghệ thuật, bởi chỉ có như vậy nhà văn mới thể hiện những phát hiện và phát
ngôn những triết lý về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật. Con thuyền nghệ
thuật lung linh, huyền ảo và đầy lãng mạn thì ở rất xa còn hiện thực đời sống
nhiều khi nghiệt ngã lại ở rất gần. Hãy đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời vì
nghệ thuật chân chính phải là cuộc đời và vì cuộc đời. Người nghệ sĩ tài năng
cần biết nhìn cuộc đời bằng cái nhìn đa diện, nhiều chiều, phải là người nhận
ra sự thật ẩn khuất sau màn sương huyền ảo, phải tiếp cận sự thật để nhận ra ý
nghĩa của cuộc sống và nghệ thuật chân chính.
3.
Nguyễn Thi và Nguyễn Minh Châu đều là
các nhà văn xuất sắc, có nhiều đóng góp cho Văn học Việt Nam hiện đại.
Các truyện ngắn được đưa vào chương trình văn học 12 của cả hai nhà văn đều là
những truyện ngắn tiêu biểu, có nội dung và tư tưởng sâu sắc, có giá trị nghệ
thuật cao. Điểm nhìn nghệ thuật không chỉ giúp người đọc thâm nhập sâu vào tác
phẩm trên bình diện nghệ thuật mà từ đó còn khám phá một cách sâu sắc giá trị
nội dung, tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm ở đứa con tinh thần của mình. Từ
việc phân tích điểm nhìn nghệ thuật của tác phẩm người đọc còn có thể tìm ra
được nét riêng độc đáo trong phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn, cao hơn nữa
là nhận thức tác phẩm ở góc độ phong cách học và thi pháp học.